Bộ phim mới nhất của đạo diễn Victor Vũ “Người vợ cuối cùng” kể về thân phận người vợ lẽ trong bối cảnh thời phong kiến. Câu chuyện có lớp lang với dàn diễn viên nổi tiếng, mang đến cho người xem một không gian đẹp, với nội dung vừa đủ. Thế nhưng, với những ai đã từng xem phim của Victor Vũ, lại mong chờ nhiều hơn ở tác phẩm này, nên rời khỏi rạp với cảm giác lưng chừng, không có cảm xúc hay ấn tượng đủ mạnh để nhớ lâu.
Phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema ở Cần Thơ.
Nhân vật Linh và Nhân trong phim.
Vì muốn cứu cha thoát khỏi tù tội nên Linh (Kaity Nguyễn) chấp nhận trở thành vợ ba của quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng). Hai người vợ trước của quan đều không sinh được con, nên trọng trách sinh con trai nối dõi đặt nặng lên vai Linh. Sau 7 năm, cô chỉ sinh cho ông được đúng một con gái, nên cô phải sống như kẻ hầu người hạ trong nhà, chịu sự chì chiết, hành hạ từ thể xác đến tinh thần. Một lần tình cờ, Linh gặp lại người yêu cũ là Nhân (Thuận Nguyễn) ngoài chợ. Cả hai lén lút nối lại tình xưa và từ đây, nhiều sóng gió xảy ra khiến họ đối mặt với vô vàn nguy hiểm.
Thông qua câu chuyện của Linh, phim làm nổi bật số phận của phụ nữ thời phong kiến, mâu thuẫn giai cấp, phân chia giàu - nghèo; cũng như sự ngang trái của tình yêu và định mệnh. Mô-típ này đã quá quen thuộc trong điện ảnh, nên nếu không có yếu tố bất ngờ hoặc điểm nhấn thì phim sẽ trôi tuột và không đáng nhớ. May mắn là sau 2 phần 3 thời lượng tập trung khai thác tình yêu của Linh và Nhân, câu chuyện bắt đầu có kịch tính bằng cái chết của một nhân vật phát hiện chuyện ngoại tình của Linh. Quan tra án xuất hiện và bằng sự thông minh, kinh nghiệm, ông mau chóng tìm ra thủ phạm. Tưởng mọi chuyện kết thúc trong êm đẹp nhưng sự chèn ép bấy lâu khiến Linh quyết tâm phản kháng, tìm cho mình một lối thoát…
Ưu điểm của phim là chỉn chu về phần nghe lẫn nhìn. Bối cảnh, phục trang, đạo cụ, tạo hình diễn viên đều được chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng, âm nhạc cũng cài cắm hợp lý, giúp câu chuyện trở nên mượt mà và lãng mạn hơn. Phim có những cảnh làm bật lên sự đối lập trong cuộc sống của Linh, giữa một bên là tình yêu mãnh liệt với một bên bị xem như công cụ sinh sản. Hình ảnh chiếc thòng lọng treo chân Linh lên sau mỗi lần chung chăn gối với chồng cũng là một hình ảnh đắt giá trong phim.
Tuy nhiên, “Người vợ cuối cùng” ít yếu tố bất ngờ, thiếu sự cài cắm và những cú lật khiến người xem ngạc nhiên như các phim trước đây của Victor Vũ. Phim thiên về tình cảm lãng mạn và chỉ đến khi gần kết thúc, câu chuyện mới chuyển hướng một chút sang thể loại trinh thám nhưng không đặc sắc. Diễn biến phim đơn giản, dễ đoán và cái kết tuy có hậu nhưng không để lại ấn tượng sâu sắc. Một vài tình tiết còn gây khó hiểu cho người xem như: Linh là vợ quan nhưng nút trên cùng nơi cổ áo không bao giờ gài mà thả lơi; Linh làm vợ lẽ cái gì cũng bị kiểm soát chặt chẽ nhưng việc về thăm nhà mẹ lại tự do dẫn đến việc cô dễ dàng gặp mặt tình nhân…
Diễn xuất của các diễn viên ở mức tròn vai, chưa ai thực sự xuất sắc. Cũng giống như chuyện phim, chỉ dừng ở mức vừa phải, đẹp nhưng lưng chừng...
CÁT ĐẰNG