26/04/2022 - 08:25

“Ngoại giao chiến lang” tiến thoái lưỡng nan 

MAI QUYÊN (Theo Japan Times)

 Nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy chính sách cứng rắn trong công tác tuyên truyền đang đối mặt tình thế khó xử, được thể hiện qua cuộc khủng hoảng ở Ukraine khi Bắc Kinh vừa không muốn đối đầu vừa cố tránh thể hiện quá thiên vị Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty Images

Thuật ngữ “ngoại giao chiến lang” bắt nguồn từ một bộ phim hành động bom tấn phát hành vào năm 2017, dùng để mô tả sự tự tin hoặc đôi khi hung hăng của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Sách lược này phản ánh mục đích của Chủ tịch Tập Cận Bình, đó là tăng cường gắn kết lực lượng trong nước trước những quốc gia phản đối hệ thống và chính sách của Bắc Kinh.

Nói theo cách này, giới phân tích dự đoán Trung Quốc có thể củng cố hơn nữa chính sách “ngoại giao chiến lang” để giành lợi thế trước phương Tây trong cuộc chiến ý thức hệ, đặc biệt khi khủng hoảng Ukraine thúc đẩy mặt trận thống nhất giữa các nền dân chủ và khiến cuộc đối đầu giữa Mỹ, châu Âu và Nhật Bản với cái gọi là “trật tự phản tự do” có vẻ đang hình thành bởi Nga và Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng có những lo ngại riêng khi bất ổn mới xuất hiện ở châu Âu tạo ra các vấn đề cho nền kinh tế Trung Quốc. Cường quốc châu Á cũng băn khoăn về khả năng liệu Nga kết thúc sớm được chiến dịch quân sự của họ và vẫn duy trì được sức mạnh của mình, không rơi vào trạng thái suy yếu.

Ðiều này phần nào lý giải cho việc Trung Quốc có một số điều chỉnh nhất định trong thái độ đối với giao tranh Nga - Ukraine, tập trung vào lời kêu gọi các bên kiềm chế, khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Cựu Tổng Biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến, người nổi tiếng với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, gần đây cũng bất ngờ đưa ra một số đề xuất rất mềm mỏng. Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Weibo, ông này mong Nga sẽ “tiếp đất một cách nhẹ nhàng”. Ông Hồ cũng chỉ ra thực lực của Trung Quốc không nằm ở quân sự (trái với Nga) mà là ở kinh tế. Do vậy, ông nói Trung Quốc nên hành động ôn hòa hơn trong thời gian dài, sử dụng ngoại giao để kéo Washington lại gần Bắc Kinh về mặt kinh tế, thu được lợi thế cạnh tranh.

Thay đổi cách tiếp cận?

Cách tiếp cận quyết đoán của Trung Quốc những năm gần đây không chỉ khuấy động chủ nghĩa dân tộc trong nước mà còn gia tăng căng thẳng với cộng đồng quốc tế, làm xấu đi hình ảnh toàn cầu của họ. Vì vậy, với cuộc khủng hoảng mới nhất bùng phát ở Ðông Âu, Trung Quốc bị cho không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chính sách “ngoại giao chiến lang” để nâng cao tinh thần, đảm bảo không thua phương Tây trong trận chiến ý thức hệ. Nhưng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thay đổi cách tiếp cận, chẳng hạn lồng ghép thông điệp quyết đoán với những từ ngữ nhẹ nhàng hơn, tạo ra hình ảnh và sự hiểu biết về Trung Quốc khác với những điều tiêu cực được truyền thông đưa tin.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào giữa các quốc gia dân chủ khi họ đang tìm cách ve vãn những nước giữ khoảng cách với Mỹ. Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh có thể thiết lập mối quan hệ bền vững với những nước trung lập ở Ðông Nam Á, Trung Ðông và châu Phi, thậm chí tiếp cận Nhật Bản, châu Âu và làm lung lay mối quan hệ giữa các nền dân chủ do Mỹ dẫn đầu.

Chia sẻ bài viết