19/06/2024 - 20:43

“Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” 

Đối với nghề báo, nhà báo Hữu Thọ (1932-2015) nhấn mạnh: Phải có “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc”.

Ấn phẩm “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” của nhà báo Hữu Thọ.

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã giới thiệu đến độc giả các ấn phẩm hay của cố nhà báo Hữu Thọ.

Người đọc có dịp đọc lại “Chạy”, một tiểu phẩm được nhà báo Hữu Thọ viết rất cuốn hút, hấp dẫn và dí dỏm. Những cuộc “chạy”: chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy tội… qua ngòi bút của nhà báo kỳ cựu, không chỉ mang tính phản ánh, phê phán mà còn với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư tật xấu, những tệ nạn tiêu cực trong xã hội.

Tương tự, với tiểu phẩm báo chí “Ghế”, nhà báo Hữu Thọ mang đến cái nhìn nhẹ nhàng, hài hước nhưng thâm thúy. Sách gồm 2 phần, với phần 1 là 138 tiểu phẩm báo chí viết về 138 chuyện đời, 138 thói hư tật xấu được phân tích, bình luận qua ngòi bút sắc bén của nhà báo Hữu Thọ. Phần 2 là những cuộc trao đổi, đối thoại về nghề báo với đồng nghiệp và theo cách nói của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, đó là những cuộc đối thoại “sòng phẳng, minh bạch và dũng cảm”.

Còn có những quyển sách đáng đọc như “Chuyện nhà, chuyện nước”, “Đối thoại”, “Ô, Dù, Lọng”, “Xiếc”, “Nể và né”, “Đèn xanh, đèn đỏ”, “Tình bút mực”… Tất cả các cuốn sách này đều đã được tái bản rất nhiều lần, luôn giữ sức cuốn hút với độc giả bởi những vấn đề thời sự, lại được thể hiện bằng “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc”.

“Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” cũng là câu nói nổi tiếng, tên cuốn sách nổi tiếng của nhà báo Hữu Thọ. Câu nói ấy đã thành phương châm của các nhà báo, người làm nghề báo trong xã hội hiện nay. Trong bài “Bài học từ nỗi đau bao giờ cũng sâu sắc”, nhà báo Hữu Thọ trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân cuối tuần, ngày 21-6-2002, hai tác giả Thế Văn và Hải Đường đã đặt câu hỏi về câu nói nhà báo phải có “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc”. Nhà báo Hữu Thọ cho biết, ông nói câu đó trong buổi lễ ra trường của sinh viên Khoa Báo chí khóa 11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 1996. Đó là lớp nhà báo xung trận vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. “Phải vững vàng niềm tin lý tưởng, phải vươn tới những kiến thức mới, phải hiểu biết thực tiễn đất nước sâu sắc để có thể có đôi “mắt sáng” mà nhìn đời. Đặc biệt, lại phải có “tấm lòng trong trắng trung thực” thì mới có thể có những bài viết sâu sắc, đúng đắn của những “cây bút sắc sảo””, nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh.

Cũng trong bài phỏng vấn này, nhà báo Hữu Thọ chia sẻ, nhân dân tin cậy ở người làm báo vì người làm báo thông tin, bình luận trung thực, vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Không có được sự tin cậy đó, người làm báo không thể có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, trong lòng nhân dân. Đó là tài sản vô giá của mỗi người làm báo, của tờ báo và của đội ngũ những người làm báo.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết