29/06/2013 - 21:24

“Làng ung thư” và “bức tường trách nhiệm” ở Trung Quốc

Mặc dù tỷ lệ tử vong tại một số “làng ung thư” do ô nhiễm hóa chất độc hại từ các nhà máy công nghiệp ở Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng đột biến so với mức trung bình cả nước, nhưng báo Anh Guardian cho biết người dân nơi đây đang phải đối mặt với “bức tường” chối bỏ trách nhiệm, thậm chí đe dọa từ các cơ quan có thẩm quyền.

Dựa theo ước tính của các viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ, phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết cả nước có khoảng 459 “làng ung thư” và đang có dấu hiệu “di căn” trên tất cả các tỉnh, ngoại trừ những vùng xa xôi phía Tây Bắc như lời “nhắc nhở” về hậu quả sau 30 năm tăng trưởng kinh tế với tốc độ chóng mặt.

Hồi tháng 2, Bộ Môi trường Trung Quốc trong bản báo cáo kế hoạch giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015 đã lần đầu tiên nhắc đến sự tồn tại của “làng ung thư” vốn được đề cập từ năm 1998. Động thái trên được các tổ chức phi chính phủ và những nhà hoạt động Trung Quốc hoan nghênh như bước thay đổi cần thiết theo hướng minh bạch và là điều kiện tiên quyết giải quyết vấn đề môi trường.

Tuy nhiên, theo Guardian tiết lộ, các cuộc phỏng vấn tại 3 làng ung thư sau đó phản ánh một thực trạng là nhiều cơ quan trung ương và địa phương theo “thói quen” bấy lâu nay vẫn tiếp tục im lặng hoặc từ chối, thậm chí hăm dọa khi xử lý vấn đề này. Ngay cả Phó Giám đốc Trung tâm Theo dõi ung thư Quốc gia Trung Quốc Trần Vạn Khương cũng lên tiếng chỉ trích và cho rằng hành động thừa nhận của Bộ Môi trường là “một sai lầm”. “Đây là vấn đề y tế nên không thể do cơ quan nào khác ngoài Bộ Y tế xác nhận. Do đó, những tuyên bố của Bộ Môi trường là không chính xác hay nói cách khác là không phù hợp”- ông Trần cho biết.

Ô nhiễm nguồn nước và không khí tiếp tục vây lấy những ngôi làng ở Trung Quốc. Ảnh: Guardian/CNN

Ước tính, tỷ lệ tử vong do ung thư ở Trung Quốc đã tăng 80% trong vòng 30 năm qua và trở thành căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở quốc gia này. Tại những thành phố lớn, không khí độc hại được cho là thủ phạm chính trong khi ở vùng nông thôn nguyên nhân lại xuất phát từ tình trạng ô nhiễm nguồn nước. 

Theo báo cáo của chính phủ, hơn 70% sông và hồ của Trung Quốc đang bị ô nhiễm. Làng Yanglingang là một ví dụ điển hình. Đại bộ phận người dân ở đây hiện phải sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, điều mà họ không hề nghĩ tới trước khi chính phủ cho tiến hành xây dựng các khu công nghiệp hồi những năm 2000. Tám năm sau đó, Yanglingang bị “bao vây” bởi khói bụi ô nhiễm từ các nhà máy điện và giấy cùng những luồng nước thải hóa chất độc hại trực tiếp xả xuống sông Dương Tử - nơi sinh kế của hàng trăm cư dân trong làng.

Một ngôi làng khác mang tên Wuli thuộc tỉnh Chiết Giang ở miền Đông Trung Quốc cũng trong tình trạng ô nhiễm tương tự khi các con sông ở đây bị “nhuộm màu” với hóa chất tuôn ra từ các ống xả thải nhà máy sau khi khu công nghiệp hóa chất Nanyang gần đó mở cửa vào năm 1992.

Thêm ví dụ khác nữa là làng Dongxing ở tỉnh Giang Tô cách phía Bắc Yanglingang khoảng 4 giờ đi xe hơi. Các nhà nghiên cứu và phương tiện truyền thông nghi ngờ nhà máy hóa chất Julong - sản xuất hơn 2.000 tấn/năm hóa chất chlorophenol gây ung thư là nguyên nhân gây bệnh ung thư cho hơn 100 cư dân giai đoạn 2000 – 2005 với tình hình gia cầm tại đây bao gồm vịt, gà, ngỗng bắt đầu chết hàng loạt khi nhà máy này bắt đầu hoạt động từ năm 2000. Trước tình trạng không khí có mùi rất độc hại từ nhà máy bao phủ ngôi trường cách đó 300m, dân làng phải chuyển con cái họ đến học ở thị trấn lân cận và ban đêm phải lấy khăn ướt che phủ mũi và miệng để tránh hít phải khói độc hại.

Mặc dù có nhiều thông tin về “làng ung thư” của Trung Quốc nhưng theo Guardian thì việc thu giữ các bằng chứng khoa học vẫn rất khó. Khi Wu Yixiu thuộc Tổ chức môi trường Hòa bình xanh Đông Á - Greenpeace East Asia đến thăm Yanglingang lần đầu vào năm 2010, cô cho rằng việc thiết lập mối liên hệ nhân quả giữa ô nhiễm và vấn đề ung thư là khá rõ ràng khi dân số của làng rất ít trong khi căn bệnh này quá phổ biến. Tuy nhiên, vấn đề là có quá nhiều hóa chất liên quan với nhiều loại ung thư trong những năm qua. “Bạn cần phải xác định chính xác loại chất hóa học nhất định gây ra loại ung thư cụ thể, và loại hóa chất này chắc chắn phải được thải ra từ các nhà máy trên. Điều này đòi hỏi nhiều năm quan sát và truy tìm bệnh án của bệnh nhân”- cô Wu nói.

Trong gần 20 năm qua, cô Wei Dongying cố gắng thu thập tư liệu về tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng Wuli và liên tục báo cáo những phát hiện lên các cơ quan chính phủ nhưng vẫn không có gì thay đổi. Hồi năm 2004, chính quyền thành phố hứa hẹn sẽ đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm ở Nanyang trong vòng 3 năm khi cô Wei trình kiến nghị lên cơ quan môi trường quốc gia.

Chính phủ sau đó cũng phê duyệt cho các nhà nghiên cứu đến Wuli để tìm hiểu nhưng hầu hết chỉ muốn soi xét nhằm phản bác các kiến nghị của cô Wei. “Họ nói rằng số người chết không quá cao. Họ đã thử nghiệm nguồn nước nhưng lại không công bố kết quả”- cô Wei bức xúc cho biết. Sau  đó, khi tình trạng ở làng Wuli bắt đầu thu hút các phương tiện truyền thông chú ý thì chính quyền địa phương lại đe dọa rằng dân làng sẽ trả giá “những hậu quả không xác định” cho sự thẳng thắn của mình.

Và sau tất cả, khu công nghiệp ở Wuli vẫn hoạt động mà không bị cản trở. Nguồn nước ở đây tiếp tục đen ngòm và không khí bắt đầu bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đến mùa hè năm ngoái, lại có dấu hiệu cho thấy một nhà máy hóa chất mới sẽ “mọc” lên gần đó. Theo Liu Lican - nhà báo ở Quảng Châu từng xuất bản cuốn sách về làng ung thư cho rằng vấn nạn ung thư liên quan đến ô nhiễm vốn đã khó phát hiện trong thời gian dài. Vì vậy, nếu tình hình cứ như hiện nay thì ngay cả khi vấn đề ung thư bởi ô nhiễm được giải quyết thì vẫn xuất hiện nhiều và nhiều hơn nữa những ngôi “làng ung thư” trong tương lai.

   VI VI (Theo Guardian)

 

Chia sẻ bài viết