03/11/2024 - 08:20

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024

“Làn gió mới” từ đề tài hiện đại 

Là một trong số ít vở diễn dự thi Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 có đề tài hiện đại, “Khi dòng sông nổi giận” mang đến cho người xem một câu chuyện đầy tính thời sự. Ðây cũng là “làn gió mới” tại liên hoan lần này.

Cảnh trong vở “Khi dòng sông nổi giận”.

Vở cải lương “Khi dòng sông nổi giận” của tác giả Huỳnh Thanh Tuấn, đạo diễn Thanh Thúy, do các nghệ sĩ đến từ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long biểu diễn. Nội dung vở đề cập đến vấn nạn khai thác cát sông trái phép, dẫn đến tình trạng sạt lở, tác động xấu đến môi trường, đang nhức nhối tại nhiều địa phương. Nhân vật chính của vở là Giang, một doanh nhân thành đạt với vẻ ngoài tử tế, lương thiện, có vợ đẹp, con ngoan. Khi nghe quê hương xảy ra tình trạng khai thác cát lậu, anh ta lớn tiếng lên án, đòi lại công bằng cho dòng sông. Kỳ thực, anh ta lại là “trùm” khai thác cát lậu. Giang còn là người chồng không chung thủy, người cha vì lợi ích cá nhân mà đem chuyện hôn nhân, tình cảm của con gái lên bàn cân. Kết cục cay đắng khi mọi chuyện vỡ lở, Giang và đồng bọn vào tù, xóm làng bị nhấn chìm khi dòng sông nổi giận, con gái anh ta cũng phải chới với giữa dòng nước siết…

Tác giả Huỳnh Thanh Tuấn đã xây dựng một kịch bản gần gũi, dễ đồng cảm. Không lên gân, giáo điều hay lên án một cách khô cứng, tác giả thể hiện bằng những tình huống, xây dựng hình tượng nhân vật và cái kết “gieo nhân gặt quả”. Ðược biết, đây là kịch bản được nâng lên từ tiểu phẩm cải lương cùng tên, từng đoạt Huy chương Vàng tại Hội thi Tiểu phẩm tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời “Ðề cương về văn hóa Việt Nam” do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức năm 2023.

Có thể nói, “Khi dòng sông nổi giận” là vở diễn mang đến hơi thở mới cho liên hoan. Tuy nhiên, cũng còn những điểm chưa thật hài lòng người xem ở vở này. Việc xây dựng tính cách nhân vật chưa thật rõ nét, tinh tế, chỉ dừng lại ở lời thoại, ca từ để gửi gắm. Kịch bản chưa có nhiều điểm nhấn để lôi cuốn khán giả vì bố cục khá đơn giản, dễ đoán biết. Các nghệ sĩ diễn trong vở chưa thật đều tay, còn nhiều vai dường như diễn chưa “chín”, nhiều chỗ diễn và ca còn “mẻ”, chưa thật trọn vẹn. Nhiều phân đoạn mang phong cách kịch hơn là cải lương. Riêng phần âm nhạc khá tốt, thiết kế sân khấu cũng khá ấn tượng.

Rõ ràng, việc thử sức ở kịch bản mới, đề tài hiện đại trong một vở cải lương không phải là chuyện dễ và cũng hoàn toàn không dễ để chinh phục khán giả. Vì vậy, “Khi dòng sông nổi giận” được ghi nhận là sự phá cách, thử nghiệm của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết