21/05/2013 - 22:00

“Hội nghị Diên Hồng” của bóng đá Cần Thơ!

Cuối tuần qua, Sở VH-TT&DL Cần Thơ tổ chức Hội nghị chuyên đề về một số giải pháp phát triển bóng dá TP Cần Thơ, với sự tham dự của các HLV, chuyên gia, cựu cầu thủ và các nhà quản lý bóng đá Cần Thơ. Nhiều đại biểu tại Hội nghị đã có dịp nói thẳng, nói thật về thực trạng yếu kém trong đào tạo bóng đá trẻ của Cần Thơ, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực.


Cách đây 25 năm, tỉnh Hậu Giang cũ từng diễn ra một hội nghị về bóng đá khi tình hình đào tạo trẻ cũng thiếu sự thống nhất tương tự như bây giờ. Khi đó, các tuyến đội có sự phân chia như sau: Sở TDTT quản lý đội tuyển và trẻ, còn Trường Nghiệp vụ TDTT chịu trách nhiệm các tuyến đội từ U-17 trở xuống. Nhận thấy sự bất ổn nên sau hội nghị bóng đá năm 1988, Sở TDTT đã sáp nhập các tuyến đội lại quản lý ở một nơi do trưởng bộ môn Liêu Văn Yều phụ trách. Một năm sau (1989), toàn bộ lực lượng đội tuyển Hậu Giang bị giải tán do dính nghi án bán độ và 20 cầu thủ tuyến U-21 được đôn lên thay. Sau vài năm thi đấu ở hạng A2, hầu hết lứa cầu thủ U-21 này đều đạt độ "chín" và đưa Hậu Giang lên hạng đội mạnh (A1) vào năm 1996. Có thể nói, nhờ "Hội nghị Diên Hồng" năm đó mà bóng đá Cần Thơ có dịp lần đầu tiên đặt chân lên sân chơi cao nhất của làng bóng đá nước nhà.

Cầu thủ đội U-21 XSKT Cần Thơ tập luyện. ẢNH: MINH THẢO 

Hội nghị bóng đá năm nay diễn ra cũng trong bối cảnh lực lượng đào tạo trẻ bổ sung cho đội tuyển không đáp ứng yêu cầu. Nhiều nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém này đã được các đại biểu nêu rõ. Ông Duy Bỉnh Koóng, 87 tuổi, cựu tuyển thủ miền Bắc Việt Nam thập niên 1950-1960, cho rằng Cần Thơ đầu tư lớn, nhưng hiệu quả thấp là do thiếu sự chỉ đạo từ Sở VH-TT&DL. CLB bóng đá hiện do Công ty XSKT Cần Thơ trực tiếp chỉ đạo, nhưng đây là đơn vị kinh tế, thiếu chuyên môn về bóng đá, dẫn đến đội tuyển thi đấu ì ạch. Lực lượng thiếu chất "địa phương" nên không thu hút sự quan tâm của công chúng. Trong khi đó một thời gian dài, Cần Thơ đã lãng phí vì để các cầu thủ giỏi ra đi.

Ông Lê Văn Cường – Giám đốc điều hành CLB XSKT Cần Thơ – cho biết từ năm 1976 đến 2005, Cần Thơ chỉ có 1 lớp đào tạo cán bộ thể thao cho Ty Thể thao Hậu Giang cũ. Mới đây, CLB mới tổ chức thêm được lớp HLV bóng đá bằng D để làm nền học tiếp bằng C, B, A. Thực tế, nhân sự quản lý bóng đá hiện chưa được đào tạo đầy đủ: nếu là cầu thủ giải nghệ làm HLV thì có kỹ thuật, kinh nghiệm nhưng thiếu chuyên môn sư phạm, kiến thức khoa học; còn nếu là HLV học trường lớp thì thiếu kỹ năng, kỹ thuật. Người tâm huyết, tận tụy với đào tạo trẻ hiện chỉ được vài người.

Một nguyên nhân quan trọng khác là sân bãi tập luyện thiếu hụt trầm trọng. Hiện TP Cần Thơ chỉ có 1 sân vận động Cần Thơ đủ tiêu chuẩn, phục vụ cho tập luyện và thi đấu của đội tuyển. Thiếu sân chơi tự do cho phong trào, việc tìm nguồn năng khiếu bóng đá rất hạn chế, dù sân cỏ nhân tạo mọc lên như nấm. Ông Liêu Văn Yều cho rằng sân cỏ nhân tạo chỉ phục vụ cho rèn luyện sức khỏe, vì những trẻ có tiền mới vào chơi được vài giờ mỗi tuần. Những trẻ có hoàn cảnh khó khăn mới quyết tâm theo nghiệp bóng đá, thì không thể ra sân cỏ nhân tạo chơi được; thứ hai là sân cỏ nhân tạo là sân chơi chứ chưa phải là sân tập đủ chuẩn.

Nhiều đại biểu cho rằng để củng cố lại hệ thống đào tạo bóng đá trẻ, trước mắt, các tuyến đội từ trẻ trở xuống phải thu về một mối. Tức là đội ngũ quản lý phải có một người hoạch định được kế hoạch, chương trình huấn luyện thống nhất từ nhỏ đến lớn. Trợ lý HLV CLB XSKT Cần Thơ Nguyễn Thanh Danh nói thẳng: Điều quan trọng trước tiên là làm trong sạch đội ngũ HLV, chỉ bổ nhiệm những người có tâm có tài phụ trách các tuyến đội, quyết liệt thải loại những ai thiếu trách nhiệm. Song song đó, cần phải gầy dựng lại bóng đá phong trào bằng cách tổ chức các giải vô địch vào thời gian phù hợp để tuyển chọn vận động viên năng khiếu.

Hy vọng sau Hội nghị, bóng đá Cần Thơ sẽ có chuyển biến để mơ về V-League bằng chính nội lực của mình.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết