22/02/2025 - 07:52

Ðề án 06 mang lại nhiều tiện ích 

TP Cần Thơ triển khai nhiều mô hình để cụ thể hóa Ðề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” của Thủ tướng Chính phủ (Ðề án 06). Qua đó, mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Người dân được hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNeID và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ. Ảnh: Q. THÁI

Nhiều mô hình phát huy hiệu quả

Theo báo cáo của UBND thành phố, việc triển khai Ðề án 06 cơ bản bám sát tiến độ, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, từ hoàn thiện thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu số, đến việc triển khai các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 14-11-2023 về việc triển khai thực hiện 41 mô hình Ðề án 06. Ðến nay, đã triển khai có kết quả 27 mô hình; 12 mô hình đang triển khai và tạm dừng triển khai 2 mô hình.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Sở đã triển khai các mô hình theo Ðề án 06: triển khai đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp du lịch mô hình camera AI kiểm soát ra/vào tại khu du lịch; tuyên truyền các doanh nghiệp du lịch sử dụng phần mềm báo cáo thống kê du lịch. Ðơn vị phối hợp Mobifone Cần Thơ lắp đặt thí điểm 6 camera AI tại cổng ra vào Ðền thờ Vua Hùng (quận Bình Thủy) và 3 bến tàu du lịch khu vực bến tàu Bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều) để thí điểm, đánh giá trước khi nhân rộng. Ðối với mô hình phân tích tình hình du lịch thông qua lưu trú, Sở đã xây dựng tài liệu mô tả các chỉ tiêu về hoạt động du lịch: lượng khách quốc tế, nội địa; khách lưu trú, khách tham quan; khách trong và nước ngoài; doanh thu và các chỉ tiêu thống kê khác để gửi ngành chức năng. Sở cũng phối hợp phân tích tình hình du lịch dựa trên chia sẻ dữ liệu về quản lý lưu trú và quản lý khách nước ngoài lưu trú (do Công an thành phố quản lý).

Năm 2024, Sở Giao thông vận tải được giao triển khai thí điểm các mô hình: triển khai giải pháp kiểm soát ra/vào tại Bến xe Trung tâm TP Cần Thơ (mô hình 15); triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe tại Trung tâm Ðào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Cần Thơ (mô hình 17). Ðối với mô hình 15, sau quá trình thí điểm đã góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ AI trong hệ thống camera giám sát chặt chẽ hoạt động tại bến xe, đảm bảo an ninh trật tự. Ðối với mô hình 17, đã thực hiện thí điểm tại 3 kỳ thi sát hạch lái ô tô, với 187 học viên được xác thực qua căn cước công dân gắn chip bằng thiết bị xác minh di động và đầu đọc căn cước công dân gắn chip. Theo kết quả đánh giá, mô hình đảm bảo chính xác danh tính học viên, tránh gian lận trong thi sát hạch tại các trung tâm sát hạch lái xe.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Việc triển khai Ðề án 06 thúc đẩy chuyển đổi số từ chính quyền số đến các tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Về dữ liệu, thành phố đã xây dựng 6 phần mềm chuyên ngành phục vụ quá trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) và tạo lập 8 cơ sở dữ liệu dùng chung gồm các cơ sở dữ liệu về người dân, doanh nghiệp, cán bộ - công chức, TTHC, hồ sơ, danh mục dùng chung, văn bản điều hành và giá. Cổng Dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được nâng cấp, hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống đã triển khai đến tất cả các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã, với 1.714 TTHC. Năm 2024, việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Về thanh toán trực tuyến phí/lệ phí, thuế trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được đẩy mạnh, với 151.480 giao dịch thành công, tổng giá trị thanh toán gần 60 tỉ đồng.

Nhiều nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng an sinh xã hội. Ðến nay, đã rà soát 48.273 đối tượng, trong đó có 14.127 người được chi trả qua tài khoản ngân hàng; tỷ lệ người nhận lương hưu và trợ cấp hằng tháng có tài khoản đạt 68,19%. Ðối với việc sử dụng căn cước công dân có gắn chip hoặc ứng dụng VNeID trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đến nay ngành Y tế đã triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo tất cả 447 trường học trên địa bàn thành phố triển khai thu học phí không dùng tiền mặt, đồng thời thí điểm Học bạ số của học sinh, đạt tỷ lệ 73,55% so với tổng số học sinh. Từ tháng 5-2024, Sở triển khai thí điểm mô hình “Thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân” tại Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều).

Có thể thấy, Ðề án 06 đã tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thời gian tới, các cấp, các ngành thành phố tiếp tục đầu tư hạ tầng số, phát triển dữ liệu, đào tạo và bỗi dưỡng nguồn nhân lực số, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Ðề án 06.

QUỐC THÁI 

 

 

Chia sẻ bài viết