27/07/2019 - 12:54

“Đời lính” - Những lát cắt của quá khứ và hiện tại 

“Đời lính” (NXB Văn học) là tập truyện ngắn nhiều tác giả, do Đặng Thiên Sơn tuyển chọn, gồm những câu chuyện về người lính thời chiến tranh và hậu chiến. Trầm hùng, khắc khoải, sâu lắng… những trang viết, câu chữ cuốn người đọc theo dòng thời gian và những nỗi niềm tuy xưa nhưng không hề cũ.

Qua những trang viết, có bóng dáng một người bà suốt mấy chục năm vẫn một dáng ngồi đợi ông - người chồng đã nằm lại trên dãy Trường Sơn hùng vĩ - với nỗi niềm mong muốn tìm được hài cốt của ông mới yên lòng nhắm mắt ra đi (truyện “Giấc ngủ ở Trường Sơn”). Ở đó, có người cựu binh chỉ còn một chân luôn nhớ về những đồng đội đã hy sinh năm xưa, nhớ từng sở thích và mơ ước của mỗi người, để bây giờ, mỗi luống hoa ông trồng, mỗi bữa cơm cúng giỗ, ông đều làm theo theo ý thích của người đã khuất, như một cách tri ân đồng đội (truyện “Người lính già”). Có tâm sự của người chiến sĩ quản tượng về những chú voi thông minh, trung thành; có góc nhìn của người lính trẻ thời bình khi bước vào quân ngũ; hay câu chuyện ấm áp về con của người lính biển…

11 truyện ngắn là những lát cắt sống động của quá khứ và hiện tại, của chiến tranh và hòa bình để từng chút một, thấm vào lòng người đọc bằng những giá trị thiêng liêng và những khoảng lặng đầy day dứt. Phần lớn các truyện được thể hiện qua nỗi niềm, tâm sự hay góc nhìn của người trong cuộc nên ngôn từ không đao to búa lớn mà bình dị, nhẹ nhàng, đầy cảm xúc. Thể hiện đề tài quen thuộc về tìm mộ liệt sĩ, về những mất mát đau thương của chiến tranh và người ở lại nhưng các tác giả không đi vào lối mòn mà có những biến tấu, đổi mới, tạo sức hấp dẫn riêng. Như sự hiểu lầm của cô gái với người đàn ông đi vào bãi đào vàng trong truyện “Vàng hương và bông cúc trắng”, như cái kết bất ngờ và có hậu của truyện “Con của người lính biển”, hay chút kỳ ảo trong truyện “Ngọn lửa hình trái tim”…

Và, đâu chỉ mất mát, bi thương của chiến tranh mới khiến người ta đau khổ, mà còn có những nỗi đau khác của người ở lại. Đó là sự tha hóa về nhân cách của thế hệ trẻ trong truyện “Không biết gì về chiến tranh”, là cái sự điên tỉnh bất thường của nhân vật Nga trong truyện “Vọng biển”… Đau nhưng không bi lụy, không bế tắc nên dù tác giả chọn cái kết nào cho nhân vật, thì mỗi câu chuyện vẫn để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người đọc.

Có thể “Đời lính” chưa phải là tập truyện hay nhất, cảm động nhất về những người lính, nhưng tác phẩm đã góp thêm cho dòng chảy văn học những câu chuyện đáng nhớ; truyền tải đến người đọc những giá trị trân quý về ý nghĩa cuộc sống hôm nay và cuộc chiến đã qua.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
“Đời lính”