14/05/2022 - 23:49

“Đêm dài một đời” - Ánh sáng của niềm tin, nghị lực 

Tiểu thuyết “Ðêm dài một đời” của nhà văn Lê Tất Ðiều xuất bản lần đầu vào năm 1966. Từ đó đến nay, sách đã được tái bản 3 lần và lần nào cũng làm nao lòng độc giả dù câu chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ. Bởi tác phẩm về thế giới, tâm tư của người khiếm thị không bao giờ cũ và cũng bởi nội dung vừa cảm động, vừa mang vẻ đẹp lấp lánh của niềm tin và nghị lực.

Bản mới nhất do NXB Hội Nhà văn phối hợp với Phanbook phát hành.

Nhân vật chính của truyện là Thương, một cậu bé mồ côi cha mẹ sau tai nạn tàu hỏa trong hành trình vào Nam sinh sống. Tai nạn cũng cướp đi đôi mắt của Thương khiến cậu mãi mãi sống trong bóng tối. Thương được chú thím gửi vào một ngôi trường dành cho nam sinh khiếm thị ở Sài Gòn. Tại đây, Thương được học nghề, có bạn bè cùng hoàn cảnh nên cũng nguôi ngoai nỗi đau. Tuy nhiên, cậu luôn cảm thấy buồn khi không có người thân, bạn bè ở bên ngoài vào thăm. Ðặc biệt là mỗi người chỉ được ở trường tối đa 5 năm, sau đó phải tự ra ngoài mưu sinh. Thương và nhiều bạn bè khác lo lắng cho tương lai khi không biết làm gì và sẽ sống như thế nào sau khi tốt nghiệp ra trường. Nhưng bằng niềm tin và nghị lực phấn đấu không ngừng, cậu và những người bạn cũng tìm được hướng đi cho mình…

Người đọc có lẽ sẽ thấy lạ lẫm khi bối cảnh câu chuyện diễn ra thời chiến tranh và cách đây hơn 50 năm, nhưng tâm sự và nỗi niềm của người khiếm thị thì thời nào cũng như nhau. Mỗi một nhân vật khi không may mất đi ánh sáng do chiến tranh, tai nạn, bệnh tật… thì cũng đều bi quan, sụp đổ trong thời gian đầu. Ðã đau buồn cho sự khiếm khuyết của bản thân, họ còn mặc cảm và khổ tâm với sự miệt thị, hất hủi, coi thường của họ hàng, của người khác. Tác giả từng bước dẫn dắt độc giả khám phá thế giới nội tâm của Thương cùng những người bạn. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng cùng chung một nỗi niềm. Ai cũng khao khát ánh sáng, mong muốn được sống trong hơi ấm gia đình và vòng tay bè bạn. Ai cũng hy vọng trở thành người có ích cho xã hội để có cuộc sống ổn định, không bị coi là vô dụng hay kẻ ăn bám. Cái cảnh Thương mừng rỡ khi mỗi lần kết giao được với một người bạn sáng mắt ở ngoài trường vào thăm rồi lại thất vọng khi người ta quên Thương như một cơn gió thoảng; sự hồ hởi của Thương khi được ra ngoài trường gặp gỡ, giao lưu với mọi người hay những suy tư của cậu về tương lai mờ mịt… khiến ai cũng nhói lòng.

Khi khắc họa thế giới của người khiếm thị, Lê Tất Ðiều đã đặt nó trong mối tương quan với đời sống của những người sáng mắt để có thể so sánh và chiêm nghiệm. Ví như lời mơ ước của các cậu bé: “Giá như mình có thể nhìn thấy trong một ngày thôi rồi mình mù trở lại cũng được, mình sẽ nhớ hoài hoài nhé!” khiến người lành lặn thấy được những trái ngang của thân phận, để trân quý hơn những gì mình đang có, quý cả cái ánh sáng bình thường ngày nào mình cũng thấy! Ðặc biệt, những người anh lớn trong trường luôn là tấm gương cho đàn em về sống đẹp, sống có ích. Như anh Bằng đi dạy hát cho các em mồ côi ở chùa, như Hoan tìm cách mưu sinh bằng nhiều công việc chân chính, như anh San ấp ủ dự định xây dựng một ngôi nhà chung cho người mù với công việc ổn định… Và Thương, sau nhiều va chạm, cuối cùng cũng nhận ra rằng: không thể chìm vào bi quan tiêu cực hay sống bằng tình thương của mọi người mãi, mà phải tự khẳng định mình, sống bằng khả năng của mình!

Cái kết tươi sáng càng tô đậm tính nhân văn của tác phẩm. Dù khiếm thị hay sáng mắt, chỉ cần nỗ lực không từ bỏ, chỉ cần sống có ích, bạn sẽ gặt được “trái ngọt”, như Thương và các bạn đã tìm thấy ánh sáng của đời mình bằng niềm tin và nghị lực!

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết