TRÍ VĂN
Là đất nước luôn dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ cao như robot, nhưng Nhật Bản lại đang đau đầu trong quá trình chuyển đổi số quốc gia trước thực trạng dân số già và người dân cho rằng sự thay đổi là không cần thiết.

Ông Ueki trước nhà hàng ramen của mình. Ảnh: Al Jazeera
Giống như hầu hết các chủ nhà hàng khác, Ryuichi Ueki chỉ chấp nhận tiền mặt. Dù là chủ sở hữu thế hệ thứ năm của Asahi, một nhà hàng ramen ở quận Asakusa (thủ đô Tokyo), nhưng ông Ueki không muốn trả phí thẻ tín dụng hoặc bận tâm “để mắt” đến các nền tảng thanh toán kỹ thuật số như Apple Pay hay LINE Pay.
“Tôi có một số khách hàng yêu cầu thanh toán bằng thẻ tín dụng và nói rằng họ không có tiền mặt nhưng tôi bảo họ đến các cửa hàng tiện lợi để rút tiền từ máy ATM” - ông Ueki nói với tờ Al Jazeera.
Bất chấp xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn cầu, ông Ueki cho biết không có kế hoạch sớm thay đổi thói quen của mình, bởi ông cho rằng điều đó là không cần thiết. “Chúng tôi cảm thấy thoải mái với những gì mình có. Mọi thứ đã được thực hiện theo cách tương tự tại công ty do gia đình tôi điều hành từ thời xa xưa” - ông Ueki giải thích.
Sự chậm chạp của “gã khổng lồ” Đông Á
Không riêng gì ông Ueki có sở thích thanh toán bằng tiền mặt. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, trong khi các khoản thanh toán không dùng tiền mặt ở nước này đã tăng gấp đôi trong thập niên qua, đạt mức 36% vào năm 2022, nhưng tỷ lệ này thua xa các nước trong khu vực như Hàn Quốc hay Singapore, nơi hầu hết các giao dịch được thực hiện không bằng tiền mặt.
Dù tiếp tục dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ cao, chẳng hạn như robot, nhưng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới theo nhiều cách vẫn bị mắc kẹt trong quá khứ. Nhiều dịch vụ của Chính phủ Nhật Bản vẫn không thể truy cập trực tuyến, trong khi các biểu mẫu giấy vẫn rất được “chuộng” dùng và người dân phải lui tới văn phòng chính quyền địa phương nếu muốn hoàn thành các thủ tục hành chính.
Cơ quan chuyển đổi số Nhật Bản, nơi đảm trách quá trình chuyển đổi số của nước này, ước tính rằng 1.900 thủ tục hành chính còn dựa trên các công nghệ lưu trữ cũ kỹ như đĩa CD, đĩa mini hay đĩa mềm. Trong giai đoạn “đỉnh” đại dịch COVID-19, một quan chức địa phương ở thành phố Yamaguchi đã trở nên “nổi tiếng” sau khi ông gửi một đĩa mềm chứa thông tin người dân đến một ngân hàng địa phương để phân phát các khoản thanh toán cứu trợ, dẫn đến sự nhầm lẫn khiến một người dân nhận nhầm khoản tiền lên tới 46,3 triệu yen (tương đương 331.000 USD).
Trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh kỹ thuật số thế giới mới nhất do Học viện Phát triển Quản lý Singapore công bố, Nhật Bản xếp thứ 29 trong số 63 nền kinh tế, sau Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc.
Nỗ lực phá vỡ “vách đá kỹ thuật số”
Thật ra, Chính phủ Nhật Bản từ lâu đã nhận thấy sự cần thiết phải giải quyết tình trạng tụt hậu số của đất nước, vốn có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực thúc đẩy năng suất và vực dậy nền kinh tế trị giá 4,9 ngàn tỉ USD này. Trong một báo cáo hồi năm 2018, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cảnh báo rằng quốc gia Đông Á này phải đối mặt với “vách đá kỹ thuật số” do các doanh nghiệp không áp dụng hệ thống kỹ thuật số, khiến các công ty sau năm 2025 phải chịu khoản lỗ lên tới 12 ngàn tỉ yen (tương đương 86,1 tỉ USD)/năm. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của đất nước, gồm cả việc chi 5,7 ngàn tỉ yen (khoảng 42 tỉ USD) để cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các khu vực cảm nhận rõ nhất tình trạng thiếu lao động do dân số già, đồng thời bổ nhiệm ông Taro Kono, người “tuyên chiến” với đĩa mềm, làm Bộ trưởng Kỹ thuật số.
Và COVID-19 trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đối với Nhật Bản. Theo chuyên gia kinh tế Martin Schulz, nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Fujitsu, trong khi các quốc gia đi xa hơn trên con đường số hóa có thể tận dụng cuộc khủng hoảng này để khám phá ra những cách thức kinh doanh mới thì Tokyo phát hiện ra rằng họ chỉ mới “đặt nền móng” cho kỷ nguyên số. “Kết quả là, so với các nước khác, quá trình số hóa của Nhật Bản thực sự chậm hơn nhiều. Tác động tổng thể của số hóa đối với các dịch vụ mới, giá trị gia tăng mới bị hạn chế so với các quốc gia khác” - ông Schulz cho hay.
Song, xã hội già hóa sẽ là trở lực đối với quá trình chuyển đổi số của Nhật Bản. Sau nhiều thập niên có tỷ lệ sinh thấp, chính phủ dự kiến sẽ thiếu hụt 450.000 công nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông vào năm 2030.