Ở Hàn Quốc hiện nay, hầu như tất cả thức ăn thừa từ các hộ gia đình và nhà hàng đều được tái chế thành phân bón, thức ăn gia súc và thậm chí là năng lượng.
Trẻ em Hàn Quốc bỏ thực phẩm thừa vào thùng rác điện tử. Ảnh: AP
Theo tờ Bưu điện Washington, cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, hàng chục xe tải chở hơn 400 tấn thức ăn thừa từ các nhà hàng và hộ gia đình đến Trung tâm Năng lượng sinh học Daejeon, cơ sở tái chế có quy mô bằng 2 sân bóng đá, để biến chúng thành nguồn năng lượng xanh đủ để cung cấp cho khoảng 20.000 hộ gia đình.
Trung tâm trên là một trong số 300 cơ sở cho phép Hàn Quốc tái chế gần như toàn bộ 15.000 tấn thực phẩm thừa hàng ngày. Số thức ăn này có thể được ủ thành phân bón, thức ăn gia súc hoặc khí sinh học, một loại năng lượng tái tạo. Theo Jeong Goo-hwang, Giám đốc điều hành Trung tâm Năng lượng sinh học Daejeon, nơi này đảm trách việc xử lý một nửa lượng thức ăn thừa hàng ngày của thành phố Daejeon. Nếu không, hầu hết số thức ăn thừa này sẽ được chôn dưới đất, gây ô nhiễm đất và tạo ra khí mêtan - loại khí thải nông nghiệp độc hại gấp 22 lần so với carbon điôxít (CO2).
Cách đây 20 năm, Hàn Quốc đã vứt bỏ 98% lượng thực phẩm thừa nhưng theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, ngày nay 98% số thức ăn thừa được chuyển thành thức ăn gia súc, phân hữu cơ hoặc năng lượng. Sở dĩ Hàn Quốc đạt được thành quả này là nhờ Seoul ban hành lệnh cấm việc đưa thực phẩm thừa đến các bãi rác; yêu cầu tất cả người dân xứ sở kim chi tự phân loại rác thải thực phẩm. Những trường hợp không tuân thủ quy định có thể bị phạt.
Giờ đây đất nước 50 triệu dân này coi việc tái chế thực phẩm thừa là một phần của cuộc sống hằng ngày. Nhiều tòa nhà cao tầng ở thủ đô Seoul được trang bị thùng rác điện tử để có thể cân thực phẩm thừa. Nhờ đó, người dân theo dõi lượng chất thải sinh hoạt hằng tháng thông qua ứng dụng kỹ thuật số, từ đó tính được mức phí phải đóng là bao nhiêu. Một số người thì mua những chiếc túi hữu cơ với giá chỉ 0,01USD để chứa thực phẩm thừa và bỏ vào thùng rác ven đường. “Việc phân loại thức ăn thừa giờ đây giống như công việc thường ngày. Tôi cảm thấy vui khi biết mình đang góp phần làm giảm lượng khí thải carbon” - Lee Jaeyoung, 35 tuổi sống gần Seoul, cho biết.
Ngoài ra, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới có hệ thống quản lý thực phẩm thừa trên phạm vi toàn quốc. Song, dù gặt hái nhiều thành công trong việc tái chế thực phẩm thừa, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa thuyết phục được người dân lãng phí ít thực phẩm hơn. Lượng thực phẩm thừa được tạo ra vẫn ở mức khoảng 5,5 triệu tấn/năm, bất chấp chi phí tái chế là rất cao. Ðáng lo ngại nhất là nông dân không muốn mua thức ăn được tái chế từ thực phẩm thừa cho gia súc và cũng không muốn dùng phân bón được làm từ rác thải thực phẩm do chúng có mùi hôi và thừa lượng natri.
“Ðã có trường hợp gia súc chết vì thức ăn được tái chế từ thực phẩm thừa. Nông dân cũng lo ngại việc tăm, mảnh nhựa hoặc kim loại bị trộn lẫn với thực phẩm thừa rồi được chế biến thành thức ăn gia súc hoặc phân bón” - Park Jeong-eu, trưởng nhóm tái chế tại Liên đoàn Phong trào Môi trường Hàn Quốc, cho biết.
Theo ước tính của Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ hồi năm 2019, 60% rác thải thực phẩm tại nước này được đưa ra bãi rác, chỉ có 5% được ủ thành phân và 15% được chuyển thành năng lượng. Trong khi đó, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (LHQ), có tới 31% trong tổng số thực phẩm bị lãng phí, đủ để nuôi sống hơn 1 tỉ người. Số thực phẩm thừa này được cho là nguyên nhân gây ra 6-8% lượng khí thải toàn cầu. Theo thống kê của LHQ, trung bình một người có thể tạo ra khoảng 120kg thức ăn thừa mỗi năm. Riêng một người Malaysia tạo ra 260kg thức ăn thừa mỗi năm, một người Mỹ 138kg và một người Hàn 110kg.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)