30/05/2021 - 12:01

“Chiến lược” cai thuốc lá hiệu quả 

Dù biết hút thuốc lá rất hại sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm cho phổi, tim mạch, da, mắt và nhiều bệnh ung thư..., nhưng nhiều người vẫn không thể từ bỏ thói quen này vì khó chống lại cơn thèm thuốc do ảnh hưởng từ thành phần gây nghiện nicotine trong thuốc. Vậy làm thế nào mới có thể cai thuốc thành công?

Sức mạnh của việc tự nhủ

Việc tự mình thuyết phục mình có ý nghĩa quan trọng khi muốn phá bỏ những thói quen hiện hữu từ lâu, đặc biệt là những thói quen phát sinh do ảnh hưởng từ các chất gây nghiện trong thuốc lá, bia rượu hoặc thức ăn nhanh không lành mạnh. Do đó, khi cai thuốc lá, tự nhủ với bản thân sự cần thiết phải cai thuốc có tác động rất tích cực.

Bỏ thuốc lá là cách giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu.

Bỏ thuốc lá là cách giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu.

Một số “chiến lược” đơn giản sau đây có thể giúp bạn sớm bỏ thuốc thành công:

+ Bắt đầu bằng việc suy nghĩ lý do thôi thúc bạn muốn bỏ thuốc. Những lý do này có thể bao gồm mong muốn cải thiện sức khỏe, lo ngại về rủi ro sức khỏe gần đây ở bản thân hoặc từ người quen, chi phí mua thuốc lá cao, tránh bị chê trách hoặc kỳ thị bởi người khác khi hút thuốc ở nơi công cộng, hoặc những yếu tố khiến bạn bắt đầu hút thuốc (để thư giãn, giảm căng thẳng, giữ cân nặng) không còn mang lại tác dụng nữa.

Tương tự, hãy hỏi bản thân rằng ai là người mong muốn bạn cai thuốc - như cha mẹ, người yêu hoặc vợ/chồng, con cái, đồng nghiệp hay đơn giản là để chiến thắng thử thách từ một người nghĩ rằng bạn không thể bỏ thuốc.

+ Chuyển sang dùng các nhãn hiệu thuốc lá có nồng độ nicotine thấp nhất. Sau đó, dần dần giảm dùng loại thuốc “nhẹ đô” cho đến khi sẵn sàng nghỉ hút.

+ Sử dụng màu đỏ làm tín hiệu nhắc “không muốn hút thuốc” cho bản thân. Màu đỏ thường mang ý nghĩa “dừng lại/không” được dùng ở khắp mọi nơi - từ biển báo dừng lưu thông, đèn đỏ, màu xe cứu hỏa, đèn xe cứu thương..., nên chọn tín hiệu màu sắc này sẽ bạn nhắc bạn nhớ không nên hút thuốc.

+ Làm thẻ “cam kết”. Ví dụ, viết dòng chữ “Không khí trong lành” ở một mặt và dòng chữ “Hôm nay, tối nay và ngày mai, tôi không còn hút thuốc nữa. Tôi bây giờ không cần hút thuốc nữa” ở mặt còn lại. Hãy lặp lại những dòng này ít nhất 5 lần/ngày (khi thức dậy, sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ). Ðiều đó giúp bạn khắc sâu những lời cam kết bỏ thuốc vào tâm trí.

+ Vỗ nhẹ vào một phần cơ thể liên tục mỗi khi thấy bức bối vì muốn hút thuốc. Ðó có thể là một bên đầu gối, một bên hông hoặc thậm chí là một số bộ phận trên khuôn mặt. Theo nghiên cứu, việc vỗ liên tục vào một số vị trí nhất định của cơ thể có thể giúp giảm cảm giác bồn chồn, lo lắng tức thời.

+ Uống nước mỗi khi thấy thèm thuốc. Do thuốc lá làm cơ thể mất nhiều nước, nên hãy uống nhiều nước hơn trong quá trình cai thuốc lá và sau khi ngừng thuốc hút. Việc nhấp vài ngụm nước mỗi khi nghĩ đến hút thuốc còn giúp bạn đỡ “buồn miệng” và xua tan cơn thèm nicotine.

+ Dùng kẹo ngọt hoặc thức uống chứa đường. Hương vị ưa thích từ kẹo/thức uống ngọt ngào có thể tạm thời làm dịu cơn thèm thuốc. Nhưng nhớ là dùng thức ăn ngọt ở lượng vừa phải nếu bạn không muốn bị tăng cân sau khi cai thuốc thành công. Một giải pháp tương tự là sử dụng sản phẩm chứa ít nicotine hơn, như kẹo cao su hoặc kẹo ngậm, trong thời gian cai thuốc.

+ Tìm người hỗ trợ. Tìm ít nhất một người thân quen đã từng hút thuốc và hiện cai thuốc thành công để nhờ họ trợ giúp trong giai đoạn đầu cai thuốc. Nhờ người này gọi điện hoặc nhắn tin “kiểm tra” bạn vài lần mỗi ngày trong 2 tuần đầu tiên. Những nhắc nhở của họ sẽ giúp bạn thêm quyết tâm và vững tin rằng mình đang đi đúng hướng để bỏ thuốc thành công.

Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5, Tổ chức nghiên cứu Ung thư đã thu hút sự chú ý khi công bố tỷ lệ tử vong vì các bệnh ung thư liên quan đến hút thuốc lá. Theo đó, gần 25% số ca tử vong do bệnh ung thư có liên quan đến việc tiêu thụ thuốc lá, căn cứ vào các số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhìn chung, thuốc lá là nguyên nhân của 8/10 trường hợp ung thư phổi - loại ung thư phổ biến thứ ba sau ung thư vú và đại tràng ở phụ nữ hoặc ung thư tuyến tiền liệt và đại tràng ở nam giới. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư miệng, gan, tuyến tụy và ung thư vú, bên cạnh những bệnh lý mãn tính khác.

AN NHIÊN (Theo Psychology Today)

Chia sẻ bài viết