17/08/2020 - 10:17

“Cây sáng kiến” Nguyễn Thanh Tân 

Các cấp công đoàn TP Cần Thơ luôn chú trọng chỉ đạo Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp tích cực vận động công đoàn viên và người lao động đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Theo đó, đội ngũ công nhân lao động toàn thành phố đã không ngừng phát huy, cống hiến sức lao động, sáng tạo. Anh Nguyễn Thanh Tân, công nhân vận hành máy bế tự động và ép kim trên máy đặt tay, Công ty Cổ phần In tổng hợp Cần Thơ là một những tấm gương điển hình tiên tiến đã có nhiều sáng kiến ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Anh Nguyễn Thanh Tân, công nhân Công ty Cổ phần In tổng hợp Cần Thơ luôn tìm tòi, nghiên cứu nâng cao hiệu quả các công đoạn sản xuất.

Anh Nguyễn Thanh Tân, công nhân Công ty Cổ phần In tổng hợp Cần Thơ luôn tìm tòi, nghiên cứu nâng cao hiệu quả các công đoạn sản xuất.

Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2005, anh Tân xin vào làm việc tại Nhà máy in bao bì thuộc Công ty Cổ phần In tổng hợp Cần Thơ. Với tinh thần ham học hỏi, 15 năm qua, anh Tân luôn cố gắng trau dồi, nâng cao kiến thức, tay nghề. Anh Tân chia sẻ: “May mắn của tôi là được lãnh đạo Nhà máy, Công ty luôn quan tâm, tạo điều kiện cho tôi được tham gia học các lớp kỹ thuật in bao bì. Từ đó, giúp tay nghề của tôi vững vàng, thêm gắn bó cùng tập thể, thêm yêu nghề in ấn”.

Trong quá trình làm việc, anh Tân luôn đặt lợi ích của Công ty và hiệu quả công việc lên hàng đầu. Theo anh Tân, cùng với sự lớn mạnh của Công ty cả về quy mô và chất lượng sản phẩm, vấn đề đặt ra đối với công nhân chính là phải không ngừng tư duy, tìm tòi học hỏi, nghiên cứu ứng dụng công nghệ khoa học vào dây chuyền thiết bị sản xuất, dần dần làm chủ công nghệ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm in, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty, anh Tân dành thời gian nghiên cứu sâu về đặc tính của từng chủng loại máy ép, nghiên cứu các thông số kỹ thuật,… Đồng thời, mày mò nghiên cứu và thực hiện hàng loạt sáng kiến, ý tưởng cải tiến thiết bị máy móc, góp phần tiết kiệm chi phí, giảm nhân công lao động, đem đến hiệu quả kinh tế cho Công ty. 

Cụ thể trong năm 2017, anh Tân đã đề xuất cải tiến chế bánh xe giữ cuộn kim và khoảng kéo kim trên trục quay cuộn kim. Anh Tân chia sẻ: “Trong quá trình trực tiếp làm công việc ép kim trên máy bế đặt tay TYMK-930, tôi nhận thấy năng suất máy ép kém hiệu quả. Từ đó tôi tự nghĩ ra cách cải tiến, chế tạo nhiều bánh xe giữ cuộn kim để bắt thêm nhiều điểm khác nhau trên trục quay cuộn kim, điều chỉnh tùy ý theo vị trí ép trên tờ in và điều chỉnh vị trí kéo khác nhau để không bị bỏ kim. Kết quả mang lại là tiết kiệm 50,5 triệu đồng/năm cho một đơn hàng hộp Cataxim 250ml Công ty Dược Thú y Cai Lậy. Nếu trước đây 10.000 hộp tương đương 5.000 tờ ép kim phải tốn 10 cây kim và tốn thời gian 4 ngày mới ép xong, khi chế thêm các bánh xe giữ cuộn kim và điều chỉnh bước nhảy cuộn kim thì chỉ sử dụng 5 cây kim và chỉ trong 2 ngày hoàn thành”.

Năm 2019, anh Tân tiếp tục thực hiện sáng kiến cải tiến cho công đoạn bế hộp trên máy bế tự động. Anh cho biết: “Các loại hộp có dập nổi đều phải qua 2 công đoạn là dập nổi 1 máy xong qua máy khác bế. Tôi nghĩ ra cách lắp khuôn vào hộc trước rồi canh chỉnh, dán thêm cao su (tận dụng cao su máy in đã bỏ đi) vào vị trí cần dập nổi; sau đó canh dán clisse âm vào vị trí có độ cao bằng đường cấn. Tiếp theo rọc vị trí cần dập nổi mi vào clisse dương sao cho 2 phần khớp với nhau, có dán băng keo 2 mặt ở đế clisse dương sau đó dập xuống để đế clisse dính vào mâm bế. Sau đó tiến hành chạy sản lượng và canh chỉnh đồng thời dập nổi và bế”. Theo anh Tân, với sáng kiến này, chỉ cần 1 máy là có thể thực hiện được cả 2 công đoạn là dập nổi và bế cùng 1 lượt. Qua đó, góp phần tiết kiệm 50% chi phí nhân công và tiết kiệm 50% điện năng khấu hao máy móc; đồng thời rút ngắn được 50% thời gian sản xuất các đơn hàng có dập nổi. Ngoài 2 sáng kiến nổi bật trên, anh Tân còn đóng góp nhiều sáng kiến khác: cải tiến khung lấy keo cửa sổ, sáng kiến bộ chọt rìa giấy… Hiện nay, anh Tân đang nghiên cứu để hoàn thiện sáng kiến cải tiến lại khuôn bế để giảm thời gian gỡ bế, áp dụng cho khâu thành phẩm.

Ông Trần Thanh Long, Giám đốc Nhà máy in bao bì, nhận xét: “Hằng năm, lãnh đạo Công ty đều phát động phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Từ đó, đội ngũ công nhân lao động hăng hái tham gia phong trào, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Anh Tân là một trong những tấm gương nổi bật với nhiều sáng kiến hữu ích. Nhiều sáng kiến của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế rất thiết thực, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức lao động và chi phí sản xuất”. 

Trong quá trình sản xuất, anh Tân luôn quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, ý thức chấp hành nghiêm túc các quy trình, quy phạm trong thi công vận hành thiết bị, kiểm tra việc thực hiện các trang bị bảo hộ lao động của công nhân trong quá trình làm việc, bảo quản tốt trang thiết bị, máy móc... Với hàng loạt sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả thiết thực, anh Tân nhiều lần được Công ty Cổ phần In tổng hợp Cần Thơ ghi nhận và khen thưởng. Liên tục nhiều năm qua, anh Tân được bình chọn là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ vào năm 2019.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết