12/01/2015 - 20:46

“Boyhood” đại thắng tại Quả cầu vàng 2015

Lễ trao giải Quả cầu vàng (Golden Globe Awards - do Hiệp hội báo chí Hollywood bình chọn, có tầm quan trọng chỉ đứng thứ 2 sau Oscar) lần thứ 72 vừa diễn ra tại Beverly Hills, California, Mỹ vào tối ngày 11-1-2015 (tức sáng 12-1, theo giờ Việt Nam). Kết quả là “Boyhood” đại thắng với 3 Quả cầu vàng: “Phim tâm lý xuất sắc nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất” và “Nữ diễn viên phụ phim tâm lý xuất sắc nhất”.

Chiến thắng của “Boyhood” thật sự xứng đáng. Đạo diễn Richard Linklater đã mất hơn 12 năm, nói đúng hơn là 14 năm nếu tính luôn các công đoạn tìm diễn viên, viết kịch bản, để hoàn thành tác phẩm. Phim kể về quá trình trưởng thành của cậu bé Mason từ lúc 6 tuổi đến 18 tuổi, ghi lại sự biến đổi tính cách, tâm lý và những việc trải qua trong suốt thời gian đó. Tất cả các diễn viên đều gắn bó như người một nhà trong khoảng thời gian dài. Lần đầu công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Sundance (tháng 1-2014), các nhà phê bình đã đánh giá đây là “tác phẩm điện ảnh có một không hai”, xứng đáng là ứng cử viên Oscar sắp tới. Do đó, việc “Boyhood” đánh bại “Foxcatcher”, “The Imitation Game”, “Selma” và “The Theory of Everything” để giành chiến thắng “Phim tâm lý xuất sắc nhất” là hoàn toàn thuyết phục. Đạo diễn Richard Linklater từng chia sẻ “Boyhood” là “dự án phim của cả cuộc đời” và ông chỉ muốn mọi thứ diễn ra tự nhiên nhất. Mất 12 năm làm một tác phẩm mang đến sự chân thực nhất, có lẽ không ai dám đánh đổi như Richard Linklater – người xứng đáng với quả cầu vàng “Đạo diễn xuất sắc nhất”. Các nhà phê bình cho rằng Richard Linklater sẽ không chỉ sở hữu Quả cầu vàng. Nữ diễn viên Patricia Arrquette cũng tạo được dấu ấn với chiến thắng “Nữ diễn viên phụ phim tâm lý xuất sắc nhất”.

“The Grand Budapest Hotel” của đạo diễn Wes Anderson đánh bại các đối thủ “Birdman”, “Into the Woods”, “Pride”, “St.Vincent” giành chiến thắng ở hạng mục “Phim hài, ca nhạc xuất sắc nhất”. “The Grand Budapest Hotel” là kết quả gây bất ngờ nhất mùa giải năm nay. Trái hẳn với sự quảng bá rầm rộ của các đối thủ, phim âm thầm chinh phục khán giả và giới phê bình bằng câu chuyện ly kỳ, vô cùng dí dỏm. Đây cũng là chiến thắng đầu tiên của Wes Anderson tại Quả cầu vàng.

 Đạo diễn Richard Linklater (ảnh, giữa) và ê-kíp phim “Boyhood”  

Diễn viên người Anh Eddie Redmayne –“người vẽ chân dung Stephen Hawking” đã xuất sắc giành Quả cầu vàng ở hạng mục “Nam diễn viên chính phim tâm lý xuất sắc nhất”. Đây là phần thưởng xứng đáng với những gì Eddie Redmayne đã thể hiện trong “The Theory Of Everything”. Eddie Redmayne đã khắc họa Stephen Hawking thành công đến nỗi chính nhà vật lý thiên tài cũng phải bật khóc khi xem phim và dành không ít lời khen cho anh. Trong khi đó, ở hạng mục “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại hài, ca nhạc” thuộc về Michael Keaton với vai diễn trong “Birdman”; còn J.K.Simmons chiến thắng “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” với vai diễn Terrence Fletcher – thầy giáo khắc nghiệt, lập dị trong “Whiplash”.

“Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại hài, ca nhạc” gọi tên Amy Adams với vai diễn trong “Big Eyes”. Đây là năm thứ hai liên tiếp người đẹp tóc vàng chiến thắng ở hạng mục này. Năm ngoái, cô chiến thắng với vai diễn thú vị trong “American Hustle”. Amy Adams là diễn viên tài năng nhưng chỉ mới tỏa sáng gần đây. Chia sẻ khi nhận giải, cô nói: “Hãy tập trung vào diễn xuất, nghệ thuật thay vì sự hào nhoáng”. Julianne Moore giành chiến thắng “Nữ diễn viên chính phim tâm lý xuất sắc nhất” với vai diễn trong “Still Alice”.

Trái với dự đoán của nhiều người, “Kịch bản xuất sắc nhất” năm nay lại thuộc về “Birdman”. Một số nhà phê bình cho rằng “Birdman” có những kỹ xảo, góc quay tốt và diễn xuất tuyệt vời nhưng kịch bản thì không đủ để “chắp cánh” cho một giải thưởng, bởi lẽ câu chuyện quá quen thuộc và được viết quá nhiều. Nếu là “The Grand Budapest Hotel” hay “Gone Girl” chiến thắng sẽ thuyết phục hơn.

Ở hạng mục “Phim hoạt hình xuất sắc nhất”, giải thưởng được dự đoán cho “Big Hero 6” hoặc “The LEGO Movie”, bởi cả hai đều được giới phê bình đánh giá cao vì câu chuyện đậm chất nhân văn. Tuy nhiên quả cầu vàng lại thuộc về “How to Train Your Dragon 2”, có lẽ bởi sự hồn nhiên đúng chất và mang tính giáo dục cao, chưa kể phim đạt doanh thu khủng hơn 618 triệu USD.

Đáng tiếc, những phim nổi bật như: “Gone Girl” (4 đề cử), “The Imitation Game” (5 đề cử), “Foxcatcher” (3 đề cử) đều ra về trắng tay.

Tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2015, nam tài tử George Clooney được vinh danh giải cống hiến Cecil B.DeMille.

ÁI LAM (Theo goldenglobes, theguardian)

Các hạng mục giải thưởng khác của Quả cầu vàng 2015:

- Phim nước ngoài xuất sắc nhất: “Leviathan” của Nga

- Nhạc phim xuất sắc nhất: “The Theory of Everything” của nhà soạn nhạc Johann Johannsson

- Bài hát trong phim xuất sắc nhất: “Glory” trong “Selma” do John Legend & Common trình bày

- Nữ diễn viên xuất sắc nhất phim truyền hình tâm lý: Ruth Wilson trong “The Affair”

- Nam diễn viên xuất sắc nhất phim truyền hình tâm lý: Kevin Spacey trong “House of Cards”

- Phim truyền hình tâm lý xuất sắc nhất: “The Affair”

- Phim truyền hình xuất sắc nhất thể loại hài kịch: “Transparent”

- Phim truyền hình ngắn tập hay nhất: “True Detective”

- Nam diễn viên phim hài/ca nhạc truyền hình xuất sắc: Jeffrey Tambor trong “Transparent”

- Nữ diễn viên phim hài/ca nhạc truyền hình xuất sắc: Gina Rodriguez trong “Jane the Virgin”

- Nữ diễn viên xuất sắc của phim truyền hình ngắn tập: Maggie Gyllenhaal trong “The Honorable Woman”

- Nam diễn viên xuất sắc của phim truyền hình ngắn tập: Billy Bob Thornton trong “Fargo”

- Nam diễn viên phụ xuất sắc của phim truyền hình: Matt Bormer trong “The Normal Heart”

- Nữ diễn viên phụ xuất sắc của phim truyền hình: Joanne Froggatt trong “Downton Abbey”

 

Chia sẻ bài viết