04/03/2023 - 14:54

“Bắc nhịp cầu vui” 

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, điện thoại di động thông minh không còn xa lạ với người lớn tuổi. Sử dụng điện thoại kết nối internet, thông qua mạng xã hội, ông bà, cha mẹ không chỉ có thêm các kênh giải trí mà còn thuận tiện hơn trong việc giao lưu, giữ mối liên hệ với con cháu. Khi không có điều kiện gặp gỡ nhau thường xuyên thì công nghệ sẽ hỗ trợ để kéo gần khoảng cách địa lý…

Nhiều người cao tuổi sử dụng điện thoại, mạng xã hội như kênh thông tin hữu hiệu để kết nối với bạn bè, người thân.

Cả năm nay, cứ tầm 8 giờ sáng mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Nghĩa, 60 tuổi, ở quận Ninh Kiều, gọi zalo cho má ruột ở Hậu Giang để nói chuyện, nhắc má uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Bác Tư - má chị Nghĩa nay đã 79 tuổi, ở cùng vợ chồng con trai út. Các con lập gia đình ở xa, bận bịu đi làm, lễ, Tết hoặc nhà có đám tiệc mới về đầy đủ. Mấy năm trước còn khỏe, bác Tư hay đi thăm con cháu, bạn bè, rảnh thì làm cỏ vườn, chăm sóc cây ăn trái, trồng rau... Từ khi bác Tư bị té, tai biến liệt nửa người, nhiều sinh hoạt phải có người hỗ trợ. Ban ngày, con trai út đi làm, bác Tư ở nhà với con dâu và cháu nội 4 tuổi, thường bác chỉ xem tivi hoặc đợi con cháu lại chơi.

Thấy má buồn, anh con út mua điện thoại kết nối mạng, tạo zalo, hướng dẫn má cách sử dụng để liên lạc với mọi người. Có điện thoại, bác Tư vui hẳn bởi con cháu thường nhắn tin, gọi điện trò chuyện, chụp hình, quay clip sinh hoạt gia đình, mấy đứa cháu múa hát… gởi cho bà coi. Bác Tư thường vào trang cá nhân của các cháu, xem tụi nhỏ làm gì, mỗi khi bắt gặp những tấm hình ngộ nghĩnh đáng yêu, bác lưu vào điện thoại, để dành mở ra ngắm nghía khi nhớ. Chị Nghĩa cho biết: “Không có điều kiện về thăm má thường, mỗi ngày gọi điện, nhìn thấy má khỏe là chúng tôi an tâm. Có hôm má biếng ăn, con cháu nhắn nhau năn nỉ, chọc má vui để ăn, uống sữa có sức. Nhờ có điện thoại mà cả nhà nắm được tin tức của nhau, có gì hỗ trợ kịp thời. Anh em trong nhà hễ sắp xếp được công việc là về với má”.

Anh Văn Thành, 28 tuổi, ở tỉnh Long An, làm tài xế, thường vắng nhà. Vợ anh Thành cũng hay theo phụ giúp chồng trong các chuyến chở hàng. Chị gái anh Thành có chồng ở xa, gởi con trai lớn 8 tuổi ở với má anh Thành (54 tuổi) để tiện việc đi học trường gần nhà, còn con gái nhỏ 3 tuổi sống chung với mẹ ruột; con trai anh Thành hơn 2 tuổi cũng nhờ bà nội giữ. Tối nào, sau khi ăn cơm xong, cả nhà cũng gọi điện thoại video nói chuyện với nhau. Má anh Thành kể cho các con nghe những chuyện trong ngày, cháu nào chưa ngoan thì bà “méc” để uốn nắn, vài tuần cả nhà lại họp mặt nấu ăn. Mỗi khi nhớ cháu ngoại, má anh Thành gọi cho con gái để hai bà cháu thấy nhau, tâm tình, hễ thấy cháu ốm thì bà nhắc nhở chuyện ăn uống. Anh Thành khuyến khích má giao lưu, kết giao với bạn bè, lên mạng xem những thông tin bổ ích về nấu ăn, mẹo vặt... Anh Thành kể: “Cuối năm rồi, cả nhà tổ chức kỷ niệm 30 ngày cưới ba má. Lúc má đăng hình lên nhật ký, người thân, bạn bè chúc mừng, bình luận, khen ngợi, động viên đăng hình nữa nên má thích lắm. Nhờ má biết sử dụng mạng xã hội mà mọi người trong gia đình dễ liên lạc, quan tâm đến nhau hơn. Ði đâu thấy có cảnh đẹp là chúng tôi chụp hình gởi má xem, muốn mua đồ thì chụp hình để má chọn màu, chọn kiểu, rất thuận tiện”.

Trước đây, khi 2 con trai lấy vợ, cô Trần Kim Dung, 76 tuổi, ở quận Cái Răng, cho ra riêng vì cô thích ở một mình. Ngày xưa, chồng mất sớm, cô Dung vất vả nuôi các con ăn học thành tài. Các con yên bề gia thất, cô dành thời gian thực hiện những dự định của mình. Cô Dung mua điện thoại và nhờ các cháu hướng dẫn sử dụng zalo, facebook, rồi kết bạn với những người thành viên trong hội người cao tuổi để có thêm nơi giao lưu, sinh hoạt văn nghệ. Hôm nào nấu món ngon, cô Dung chụp hình đăng lên, hay mua cái áo mới, đi cắt tóc, tập thể dục, đi cà phê… cô cũng chụp hình gởi các con. Các cháu cũng hay hướng dẫn bà nội cách chụp hình, quay clip cho đẹp. Cô Dung truy cập vào internet để xem các chương trình giải trí, cải lương, tin tức thời sự, các bài thuốc dân gian chữa bệnh. Biết má thích đi du lịch, các con động viên, tài trợ cô Dung đi chơi. Mỗi khi cô định đi đâu, các con lên mạng tìm hiểu nơi vui chơi, ăn uống, chỗ nghỉ… để má tham khảo. Nhờ cô cập nhật lịch trình thường xuyên, mọi người rất an tâm. Ðiện thoại các con cô Dung có kết nối camera nên biết má ở nhà thế nào, nhắc ăn cơm, đóng cổng, khóa cửa buổi tối… Mỗi khi trò chuyện, thấy cô Dung có vẻ mệt mỏi là con cháu về chăm sóc, nấu thức ăn để má bồi bổ sức khỏe.

Hiện nay, các gia đình nhiều thế hệ ít dần, con cháu có xu hướng ra ở riêng hoặc đi làm xa. Khoảng cách địa lý không còn là vấn đề khi đã có những ứng dụng đa dạng, mới mẻ của công nghệ số giúp các thành viên liên lạc, kết nối thông tin, duy trì tình cảm. Tuy nhiên, bên cạnh các thiết bị điện thoại, mạng xã hội, sẽ tuyệt vời hơn nếu người thân chủ động sắp xếp, dành thời gian quan tâm thăm hỏi, gặp mặt, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn… gìn giữ tình thân thêm bền chặt.

Chia sẻ bài viết