19/01/2019 - 11:01

 Bắc Âu “khát” trẻ con 

Các quốc gia Bắc Âu từng có tỷ lệ sinh cao so với lục địa già, nhưng nay trẻ được sinh ra tại đây đang ngày một ít đi, đe dọa mô hình phúc lợi xã hội đáng ngưỡng mộ của khu vực.

 Một gia đình ở Oslo, Na Uy. Ảnh: Huffington Post

Ở  Na Uy, Phần Lan và Iceland, tỷ lệ sinh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục hồi năm 2017, khi chỉ có 1,49- 1,71 trẻ được sinh ra/phụ nữ. Chỉ vài năm trước đó, tỷ lệ này gần chạm mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Tỷ lệ sinh ở tất cả những quốc gia Bắc Âu đều bắt đầu giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo nhà xã hội học Trude Lappergard tại Đại học Oslo (Na Uy).

Từ Đan Mạch cho đến Na Uy, từ Phần Lan cho tới Iceland, các thống kê nhân khẩu học đều cho thấy 2 điều: ngày càng ít gia đình đông con và phụ nữ chờ lâu hơn trước khi có con đầu lòng. Nguyên nhân có thể do tài chính không ổn định và chi phí nhà ở tăng mạnh. Về lâu dài, điều này đồng nghĩa sẽ càng có ít những người trong độ tuổi lao động đóng thuế, góp phần vào các hệ thống an sinh xã hội hào phóng, chẳng hạn việc nghỉ thai sản dài mà ở Thụy Điển có thể lên đến 480 ngày. Trong bài phát biểu nhân dịp Năm mới, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nói vui rằng : ‘’Na Uy cần thêm trẻ em. Tôi không nghĩ tôi cần phải nói mọi người phải làm gì để có điều đó’’.

Để giải quyết thực trạng trên, các chuyên gia đưa ra nhiều gợi ý. Chẳng hạn một nhà kinh tế học tại Na Uy đề xuất cứ mỗi trẻ ra đời, người mẹ được “thưởng” 500.000 kroner (hơn 58.000 USD) vào tiền hưu trí. Nhiều tỉnh ở Phần Lan thì đã quyết định nới lỏng hầu bao nhằm khuyến khích dân địa phương có con. Ví dụ thị trấn Miehikkala đang thực hiện chính sách tài trợ hơn 11.000 USD cho mỗi trẻ được sinh ra và lớn lên tại đây. Riêng chính quyền Đan Mạch lại chú ý đến nam giới vốn có xu hướng không vội làm cha, khi phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về việc chất lượng tinh trùng sẽ giảm theo tuổi tác. 

Nhưng nếu không thành công, nhận thêm người nhập cư sẽ được tính đến. Thụy Điển có tỷ lệ sinh giảm, nhưng vẫn đứng thứ hai trong Liên minh châu Âu, sau Pháp - nơi có 1,85 trẻ được sinh ra/phụ nữ hồi năm 2016. Điều này là do Thụy Điển có lịch sử đón nhận người nhập cư cách đây 2 thập niên và phụ nữ nhập cư thường có nhiều con hơn chị em người bản xứ.

Pháp có nguy cơ mất ngôi vị ‘’quán quân’’ 

Thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ sinh ở Pháp đã giảm năm thứ tư liên tiếp, khiến người ra đặt câu hỏi xứ lục lăng có thể nắm giữ danh hiệu quốc gia “mắn đẻ” nhất châu Âu trong bao lâu.

Năm 2015, Pháp từng có tỷ lệ sinh cao nhất châu Âu, với 1,96 trẻ/phụ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện nay là 1,87. Chỉ có tổng cộng 758.000 trẻ chào đời ở Pháp trong năm 2018, giảm 12.000 “thiên thần” so với năm trước đó. Nguyên nhân của sự sụt giảm này có thể là do phụ nữ trong độ tuổi sinh nở ở Pháp ngày càng ít. Năm ngoái, nước này chỉ có 8,4 triệu phụ nữ ở lứa tuổi 20-40, so với 8,8 triệu hồi năm 2009.

THANH BÌNH (Theo AFP, The Local)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
 Bắc Âu