01/08/2019 - 14:02

Ðáp ứng nguyện vọng của dân 

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPÐT) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, TP Cần Thơ đã triển khai, thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 19-4-2019 và đạt được một số kết quả nổi bật. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính, phục vụ người dân tốt hơn.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, người dân không phải mất thời gian chờ đợi lâu như trước.

Anh Nguyễn Văn Hậu (ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ) đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND huyện để thực hiện thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong thời gian ngắn, hồ sơ đã hoàn thành và anh nhận được phiếu hẹn. Anh Hậu phấn khởi nói: “Tôi thường đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của xã và của huyện để làm một số thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn hoặc hợp đồng chuyển nhượng, đăng ký quyền sử dụng đất. Qua thực tế thực hiện các thủ tục, tôi thấy cán bộ phục vụ rất chu đáo, đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ tác nghiệp nhanh hơn, người dân không phải chờ đợi lâu”.

Không chỉ riêng huyện Cờ Đỏ, hiện nay, 100% cơ quan quản lý nhà nước có mạng nội bộ (LAN) và có máy tính kết nối Internet băng thông rộng, đồng bộ hạ tầng mạng nội bộ đến 100% xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Trung tâm dữ liệu thành phố luôn đảm bảo duy trì, phục vụ việc quản trị hạ tầng kỹ thuật ứng dụng, vận hành các hệ thống chung của thành phố như: Cổng dịch vụ công trực tuyến; hệ thống phần mềm một cửa, cổng thông tin điện tử, email, quản lý văn bản và điều hành; hội nghị truyền hình. Ông Võ Văn Tèo, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trước khi bắt đầu vào thực hiện một thủ tục hành chính nào đó, tôi thường mở Cổng thông tin điện tử xem các quy định về thủ tục mà mình cần. Thay vì phải đi đến các cơ quan hành chính, nay chỉ cần ở nhà sử dụng máy tính là có thể biết rõ những thủ tục cần thiết”. Theo ông Lư Thanh Hiền, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Cờ Đỏ, việc ứng dụng hệ thống hội nghị trực tuyến trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại trong các cuộc hội họp. Cán bộ địa phương có nhiều thời gian hơn để phục vụ người dân giải quyết các nhu cầu, thủ tục cần thiết…

Đến nay, TP Cần Thơ có 459 cơ quan, đơn vị đã được triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đồng thời, triển khai kết nối, liên thông Trục liên thông văn bản của thành phố với Trục liên thông văn bản Quốc gia đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông, tích hợp chữ ký số trên phần mềm. Ngoài ra, hệ thống phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của thành phố được triển khai đến tất cả các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các đơn vị sự nghiệp. Tại một số sở, ban, ngành thành phố đã triển khai các phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ chuyên môn như: cơ sở dữ liệu quản lý hộ tịch, cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn (Sở Tư pháp); cơ sở dữ liệu quản lý học sinh (Sở Giáo dục và Đào tạo); cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng chính sách, người có công và cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)… Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành này còn rời rạc, chưa kết nối liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu triển khai từ Trung ương đến địa phương.

Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử cũng đã được triển khai đồng bộ từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã; tích hợp việc thanh toán trực tuyến, kết nối qua hệ thống bưu điện, kết nối với trang mạng xã hội Zalo để tra cứu thông tin kết quả giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân, nộp hồ sơ trực tuyến... Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến TP Cần Thơ đã cung cấp 717 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...

Theo ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, thành phố sẽ triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, các cơ sở dữ liệu dùng chung, triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành trong giải quyết thủ tục hành chính, nền tảng quy hoạch không gian. Đồng thời, cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố phù hợp với Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 2.0 khi được ban hành…

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết