06/11/2018 - 21:54

“Ai đi, ai ở” sau bầu cử giữa kỳ ở Mỹ? 

Ngày 6-11, cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu bầu lại toàn bộ 435 nghị sĩ của Hạ viện và 35/100 ghế ở Thượng viện cùng 39 thống đốc bang và thị trưởng nhiều thành phố.

Tổng thống Trump (giữa) trong một cuộc họp nội các. Ảnh: Getty Images

Kết quả cuộc bầu cử sẽ quyết định đảng nào nắm quyền kiểm soát Quốc hội, từ đó định hình trật tự chính trị Mỹ trong 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Nhưng dù cho phe nào giành chiến thắng sau bầu cử giữa kỳ, các nguồn tin nội bộ cho biết sẽ có nhiều quan chức phải “ra đi” khi Tổng thống Trump đang sẵn sàng cải tổ Nhà Trắng.

Đứng đầu danh sách này là Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley. Tháng rồi, bà Halley cho biết sẽ rời nhiệm sở vào cuối năm nay.

Kế đến là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Mâu thuẫn giữa Tổng thống Trump và người đứng đầu ngành tư pháp kéo dài lâu nay sau khi ông Sessions quyết định rút khỏi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016. Hồi tháng 8, Tổng thống Trump công khai chỉ trích Sessions không kiểm soát được Bộ Tư pháp, thậm chí gần đây còn tuyên bố ông “không có bộ trưởng tư pháp”. 

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Cộng hòa cho rằng vị bộ trưởng này nên được giữ lại, đặc biệt khi ông Sessions vẫn được ủng hộ mạnh mẽ tại bang Alabama, nơi được coi là thành trì số 1 của đảng Cộng hòa. Mặt khác, nếu ông Sessions từ chức hoặc bị sa thải và Tổng thống chưa thể chỉ định người mới, Thứ trưởng Rod Rosenstein sẽ trở thành quyền Bộ trưởng. Khả năng này là rất lớn bởi theo một số nguồn tin, lãnh đạoThượng viện Mỹ từng cảnh báo ứng viên Bộ trưởng Tư pháp sẽ không thể được xác nhận trong giai đoạn chuyển giao sau bầu cử quốc hội.

Ông Rosenstein là người đề cử công tố viên đặc biệt Robert Mueller và hiện đang giám sát cuộc điều tra về Nga. Nếu Tổng thống Trump tìm cách thay thế ông Rosenstein trước khi cuộc điều tra nói trên kết thúc, động thái này sẽ vấp phải phản ứng chính trị đặc biệt khi nó có thể bị coi như cố tình làm suy yếu cuộc điều tra hình sự của ông Mueller.

Ngoài số phận của Bộ trưởng Sessions, một trong những câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu hai cựu tướng Hải quân gồm Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis có thể trụ lại bao lâu trước “kỷ lục” sa thải quan chức cấp cao trong chính quyền Trump.

Gần đây, Tổng thống Trump có “bóng gió” về tương lai của Bộ trưởng Mattis khi mô tả vị này “dường như là kiểu người của đảng Dân chủ” và rằng ông ấy có thể ra đi. Theo tiết lộ của nhiều quan chức Mỹ, những đồn thổi về việc ông Mattis không ủng hộ Tổng thống Trump có liên quan những thành viên thân cận với Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. 

Về phía Chánh Văn phòng Nhà Trắng, ông Kelly cho biết đã đồng ý với đề nghị của Tổng thống Trump về việc giữ chức vụ đến năm 2020. Tuy nhiên, nhiều người hiện quan ngại ông Kelly sẽ đệ đơn từ chức bất cứ lúc nào khi có thông tin Tổng thống Trump đứng về phía cố vấn Bolton vốn mâu thuẫn với ông Kelly trong vấn đề di trú và nhập cư bất hợp pháp. Cả hai cũng từng tranh cãi nảy lửa về khả năng làm việc của Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen - người từng là cấp phó của ông Kelly khi còn ở cơ quan này.

Trường hợp Chánh Văn phòng Nhà Trắng rời nội các, nhiều người dự đoán bà Nielsen cũng sẽ không ở lại. Trước đó, ông Kelly buộc phải bảo vệ cấp phó cũ của mình sau khi Tổng thống Trump thể hiện thái đội bất mãn đối với Bộ trưởng An ninh Nội địa trong việc kiểm soát người nhập cư trái phép, thậm chí tỏ ý nghi ngờ vai trò của bà Nielsen dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.

Một nhân vật khác cũng có thể ra đi là Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke. Tuy là người ủng hộ Tổng thống Trump và cũng được ông chủ Nhà Trắng khen ngợi, nhưng ông Zinke đang dính ít nhất 3 cuộc điều tra về vấn đề đạo đức. 

Ngoài những người có thể rời nội các, CNN cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo là một trong những quan chức chắc chắn tiếp tục làm việc trong chính quyền Trump. Ngoài được ví như “cánh tay phải” của tổng thống, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có thể sẽ đóng vai trò quan trọng giải quyết bất đồng giữa cố vấn Bolton và những thành viên nội các khác, bao gồm Chánh Văn phòng Nhà Trắng và Bộ trưởng Quốc phòng. 

Chia sẻ bài viết