29/06/2020 - 08:20

Ða năng với nghề “tay trái” 

Có lẽ đây là câu rất thích hợp khi nói về chị Nguyễn Thị Mai Thi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều. Ngoài nghề làm đẹp với tiệm làm tóc, massage, trang điểm tại nhà, chị chịu khó mày mò phát triển nghề làm bánh bán qua mạng được 2 năm nay, mang lại thu nhập rất ổn định.

Chị Mai Thi giới thiệu những chiếc bánh bông lan trứng muối tại phiên chợ “Tôi yêu hàng Việt Nam”.

Tham gia bán bánh ở phiên chợ “Tôi yêu hàng Việt Nam” trong khuôn khổ Ngày hội gia đình do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Ninh Kiều tổ chức, chị Mai Thi giới thiệu 2 loại bánh bông lan thường và bánh bông lan trứng muối. Trong đó, bánh bông lan trứng muối có sốt dầu trứng, thêm chà bông thịt heo, trang trí xúc xích và lòng đỏ trứng vịt muối khá bắt mắt. Hỏi ra, nhiều người không khỏi bất ngờ vì đây là nghề tay trái, do chị mày mò tự học rồi bắt đầu làm bán được 2 năm nay.

Chị Mai Thi vốn là thợ may. Hơn 4 năm trước, vì thấy nghề may tại nhà không đem lại thu nhập cao nên chị học nghề chăm sóc da và trang điểm căn bản. Ngoài giờ học ở tiệm, chị quan sát những tiệm đông khách thì ghé, trải nghiệm dịch vụ của họ để quan sát và học hỏi thêm kinh nghiệm. Năm 2016, chị mở tiệm gội đầu, massage mặt và trang điểm tại nhà với sự hỗ trợ vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ðể có thêm thu nhập, chị kết nối với người thân ở nước ngoài nhận đặt mỹ phẩm từ Úc về bán thêm.

Có con nhỏ, chị Mai Thi chịu khó tự làm bánh cho con ăn để đảm bảo an toàn. Hai năm trước, chị lên mạng học công thức làm bánh bông lan, sắm lò nướng điện rồi bắt tay làm thử. Sau 3 lần thất bại, chị đã có mẻ bánh ưng ý, ngon và đẹp. Ðem bánh mời người thân, bạn bè, có cô cháu gái đôn đốc và bày cách cho chị đăng bán bánh qua mạng xã hội. Vậy là thành nghề. Chị Mai Thi cho biết: “Những ngày đầu đăng bán, khách quen đặt 1-2 cái, rồi 3-4 cái, dần dà lượng bánh đặt tăng lên tôi phải dùng nguyên liệu đến 1kg bột mỗi ngày. Ðến nay thì trung bình mỗi ngày tôi làm bán từ 3-4kg bột (tương đương khoảng 15-20 cái bánh), lấy công làm lời khoảng 300.000 đồng/ngày. Ðặc biệt, các ngày lễ, Tết, số lượng bánh còn nhiều hơn”.

Tùy theo yêu cầu của khách, chị Mai Thi có làm bánh bông lan chay, bánh bông lan trứng muối trang trí với xúc xích, chà bông hoặc bánh trang trí cùng phomai miếng hoặc sốt phomai. Khéo tay và chịu khó sáng tạo nhiều kiểu trang trí nên bánh của chị được nhiều khách ưa chuộng. Không chỉ đãi bạn bè, người thân, nhiều khách đặt chị làm bánh nhiều tầng cho đám cưới, đám hỏi. Tùy kích cỡ, nguyên liệu phối hợp, giá mỗi ổ bánh thường từ 70.000-250.000 đồng. Riêng ổ bánh nhiều tầng có thể lên đến 500.000 đồng. Những chiếc bánh bông lan của chị từng theo khách hàng đến tận Cà Mau và lên máy bay ra Ðà Nẵng. Chị Mai Thi chia sẻ: “Lúc đầu chỉ nghĩ làm để ăn nhưng ai ngờ được nhiều người ủng hộ, mua dùng và giới thiệu cho nhiều khách hàng khác. Vì vậy, dù là nghề tay trái nhưng lại giúp tôi có thu nhập khá. Tôi luôn để tâm vào từng chiếc bánh, đảm bảo chất lượng và tính thẩm mỹ, không phụ lòng khách hàng tin dùng. Hầu hết các nguyên liệu làm bánh đều được mua tại cửa hàng uy tín, riêng trứng muối tôi tự muối tại nhà, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Chị Mai Thi cũng đang nghiên cứu làm bán thêm món bánh su kem để cho khách thêm sự lựa chọn và giúp chị tăng thêm thu nhập.

Vừa làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực, quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, làm đại lý bảo hiểm y tế khu vực, kinh doanh tiệm làm đẹp tại nhà và tiệm bánh trên không gian mạng, chị Mai Thi thường xuyên bận rộn. Tuy vậy, chị luôn cảm thấy hài lòng và vui với những việc mình đã chọn. Chị nói, nhiều nghề, nhiều việc nhưng đều là những việc chị thích, chị có thể tham gia đóng góp cho địa phương vừa lao động, kiếm thu nhập ổn định.

Qua cách học nghề và làm nghề của chị Mai Thi, có thể nói, chỉ cần siêng năng, chịu khó học hỏi, lao động, chắc chắn sẽ không lo thất nghiệp, không sợ thu nhập bấp bênh. Ðặc biệt là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa qua, việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến người lao động ở rất nhiều ngành nghề, trong đó, có dịch vụ làm đẹp. Việc năng động với nghề “tay phải, tay trái” giúp người lao động sử dụng thời gian hiệu quả, tăng năng suất lao động, đa dạng nguồn thu nhập và giảm thiểu rủi ro khi công việc gặp khó khăn, thất nghiệp...

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết