11/01/2024 - 09:03

Ðã dặm dài những “Sương gió ngày qua” 

Một sáng cuối tuần, chị Kim Thanh hẹn tôi ở một quán cà phê quen. Chị cẩn thận lấy trong túi vải ra 3 quyển sách ký tặng, và nói: “Tặng em, quyển sách mới ra của chị và cả 2 quyển sách trước đó. Gia tài văn chương của chị tới nay là nhiêu đó”.

3 tác phẩm đã ra mắt của tác giả Nguyễn Kim Thanh.

Quyển sách vừa ra mắt của chị là tuyển tập văn xuôi “Sương gió ngày qua”, do NXB Hội Nhà văn ấn hành, còn thơm mùi mực từ nhà in. Hai quyển sách trước đó là tập truyện ngắn “Đôi bạn” (NXB Văn hóa Thông tin, 2009) và tuyển tập truyện ngắn, tản văn “Những khúc nhạc mùa trăng” (NXB Hội Nhà văn, 2021).

Đọc một hồi 3 ấn phẩm mà chị Kim Thanh gọi là “gia tài văn chương”, mới thấy quả vậy, đó là sự tỉ mỉ, chăm chút trên cánh đồng con chữ và được góp nhặt bằng những dặm dài năm tháng đã qua. Tôi nghĩ đến tên quyển sách mới nhất, nghĩ đến dặm dài “sương gió ngày qua” của chị.

Nhà văn Nguyễn Kim Thanh sinh năm 1967, tại Cần Thơ, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ. Thế mạnh của chị là truyện ngắn và tản văn, với những tác phẩm viết về ký ức, mang hơi thở văn hóa sông nước và viết về thế sự. Đọc 3 quyển sách, vẫn một giọng văn ấy, nhỏ nhẹ, đằm thắm mà kể, không lên gân, không cường điệu, mạch truyện, dòng văn được thể hiện một cách thật tự nhiên.

Nhưng có điều, đề tài trong mỗi tác phẩm dường như có sự thay đổi. Ở “Đôi bạn”, đó là những dòng viết nặng về ký ức cuộc đời. “Ngôi nhà má Bảy”, “Gió chướng đổ về”, “Chảy một dòng sông”... là ví dụ. Có truyện kể về hồi “xưa thiệt là xưa”, có truyện cách đây vài mươi năm... với những cồn cào, nặng nợ của người viết. Qua “Những khúc nhạc mùa trăng”, đó lại là những trang văn đầy tính thế sự với cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy khốc liệt, với mùa tựu trường đặc biệt “nhớ đời” thời “hậu COVID-19”...

Lần giở 21 bài trong “Sương gió ngày qua”, vẫn là nỗi nhớ, ký ức nhưng dường như tác giả không còn viết cho mình nữa mà viết cho những người đồng bằng đã trải đời trên vùng đất chín sông. Đó là những thương hồ ở chợ nổi Cái Răng thương nhau bởi cái tình sông nước, cái tình của đời “gạo chợ nước sông”. Đó là nỗi nhớ về điệu đờn ca tài tử và về hương vị bánh quê, theo suốt một đời. Lại là một buổi đi chợ khuya, một ơ cá lòng tong kho khô của má, là con nước rong chảy tràn trong thương nhớ... Nỗi niềm ấy, chị Kim Thanh viết nên đầy nhẹ nhàng, chân chất. Dường như với chị Kim Thanh, điều rốt cùng sau năm tháng đời người, sau những thăng trầm gành thác, đong đầy vẫn là nguồn cội, quê hương, là tình đời, tình người với những điều tưởng chừng rất nhỏ.

Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, khi nói về “Sương gió ngày qua”, đã chia sẻ rằng: Văn phong của Nguyễn Kim Thanh đơn giản, không cầu kỳ, nhẹ nhàng mà thấm kỹ, thấm sâu, đủ để người ta dừng lại một chút mà ngẫm nghĩ, cảm nhận. Và khi gấp sách, dễ cảm nhận rằng: “... Cái chung nhất trong các bài viết này là ăm ắp chữ tình, mênh mang duyên nợ. Ôi! Cái tình người sao mà da diết đến vậy dù cảnh đời có nghiệt ngã, có đớn đau đến mức nào!”.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết