16/07/2008 - 09:03

Xung quanh vụ ICC truy tố Tổng thống Sudan

Tổng thống Bashir và những người ủng hộ. Ảnh: AP

Ngày 14-7, Trưởng công tố Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC- trụ sở tại La Haye, Hà Lan) Luis Moreno-Ocampo đã yêu cầu ICC ra lệnh bắt giữ Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir với tội danh diệt chủng. Ông Bashir bị cáo buộc từng phát động chiến dịch chống lại 3 bộ tộc ở Darfur, giết chết 35.000 người và ngược đãi 2,5 triệu người tị nạn. Đây là lần đầu tiên một đương kim nguyên thủ quốc gia bị truy tố tại ICC kể từ khi tòa án này được thành lập năm 2002. Trước đó, hai nhân vật có tiếng tăm nhất bị ICC truy tố là cựu Tổng thống Charles Taylor của Liberia và Slobodan Milosevic của Nam Tư.

Ông Moreno-Ocampo cho rằng Tổng thống Bashir đã vạch kế hoạch tiêu diệt cộng đồng thiểu số người Fur, Masalit và Zaghawa, 3 bộ tộc tiến hành cuộc nổi dậy chống chính quyền Khartoum năm 2003. Lực lượng vũ trang Sudan và các nhóm dân quân do chính phủ bảo trợ đã sát hại hàng ngàn người, trong khi 2,5 triệu người khác ở các trại tị nạn trở thành nạn nhân của tình trạng “cướp bóc, đói khát và lo sợ”. Ông cáo buộc Tổng thống Bashir, cựu tướng lĩnh quân đội lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 1989, 3 tội diệt chủng, 5 tội ác chống lại loài người và 2 tội ác chiến tranh.

Tuy nhiên, Tổng thống Bashir bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc trên và cho rằng ICC không có quyền xét xử người Sudan. Đại sứ Sudan tại LHQ Abdalmahmood Abdalhaleem Mohamed tuyên bố Khartoum sẽ phủ nhận bất kỳ phán quyết nào của ICC vì Sudan không phải là thành viên của tổ chức này. Các nhà phân tích cho rằng Sudan sẽ tranh thủ sự ủng hộ từ các đồng minh như Trung Quốc để đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an LHQ, nhằm ngăn cản bất kỳ lệnh bắt giam nào đối với ông Bashir. Đại sứ Mohamed cũng cho biết Tổng thống Bashir đang cân nhắc mọi sự lựa chọn, bao gồm cả biện pháp đáp trả bằng quân sự để đập tan bất cứ âm mưu gây bất ổn nào.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi Sudan đảm bảo an toàn cho nhân viên LHQ đang làm việc ở nước này bất chấp vụ kiện trên. Ông nhấn mạnh rằng “LHQ phải tôn trọng sự độc lập của quy trình tư pháp”. Hiện lực lượng gìn giữ hòa bình hỗn hợp LHQ- Liên minh châu Phi (UNAMID) với 9.000 binh sĩ đang hoạt động ở Darfur. Còn Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Jakaya Kikwete thì giục ICC hoãn việc bắt giữ ông Bashir do lo ngại xung đột ở Sudan, hiện đã mở rộng từ miền Tây Darfur sang phía Đông và Nam, sẽ lan tới các nước láng giềng. Thay mặt AU, Ngoại trưởng Tanzania Bernard Membe cảnh báo nếu bắt Tổng thống Bashir vào lúc này sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực ở Sudan, dẫn đến nguy cơ đảo chính quân sự và tình trạng vô chính phủ, tương tự như từng xảy ra ở Iraq.

Ngay sau quyết định của ICC, hàng ngàn người ủng hộ Tổng thống Bashir đã xuống đường biểu tình tại Thủ đô Khartoum. Các tổ chức cứu trợ và Đại sứ quán Mỹ đã tăng cường an ninh do lo ngại bạo lực leo thang. UNAMID cũng tăng cường an ninh và rút các nhân viên không cần thiết về nước, nhất là sau khi Phó Chủ tịch Quốc hội Sudan Mohammed al-Hassan al-Ameen phát biểu trên đài truyền hình quốc gia rằng “không thể đảm bảo an toàn cho bất cứ cá nhân nào”.

N.MINH (Theo AP, Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết