 |
Ông Obama phát biểu tại Đại học George Mason hôm 8-1. Ảnh: AFP |
Trong bài phát biểu tại Đại học George Mason hôm 8-1, Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama đã giục Quốc hội nhanh chóng thông qua các giải pháp cứu vãn nền kinh tế số 1 thế giới, trong đó có gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 800 tỉ USD trong 2 năm, nếu không Mỹ sẽ đối mặt với “cuộc suy thoái kéo dài nhiều năm”.
Phần lớn trong gói kích thích kinh tế này sẽ được đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường sản xuất năng lượng thay thế. Cụ thể, ông Obama đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng năng lượng thay thế trong vòng 3 năm; vi tính hóa tất cả hồ sơ y tế trên cả nước trong vòng 5 năm; hiện đại hóa 75% các trụ sở liên bang và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng ở 2 triệu hộ gia đình; cải tiến phòng học, thư viện và phòng thí nghiệm ở hàng ngàn trường học và mở rộng đường truyền băng thông rộng tới các khu vực nông thôn. Ông Obama tin rằng kế hoạch kích thích kinh tế mà ông đưa ra sẽ tạo ra hơn 3 triệu việc làm trong giai đoạn từ nay đến năm 2011. Mới đây, Bộ Lao động Mỹ công bố dự báo cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nước này có thể tăng lên 9% vào cuối năm 2009, từ mức 7% hiện nay. Tổng số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ hiện lên tới 4,6 triệu người, cao nhất từ năm 1982. Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội cũng vừa dự báo mức thâm hụt ngân sách liên bang năm nay sẽ lên tới 1.200 tỉ USD (8,3% GDP), đó là chưa tính khoản chi tiêu và cắt giảm thuế trong gói kích thích kinh tế dự kiến của ông Obama.
Ông Obama muốn Quốc hội thông qua kế hoạch kích thích kinh tế vào ngày ông nhậm chức (20-1), nhưng các nghị sĩ cho rằng điều đó chỉ xảy ra sớm nhất vào ngày 16-2 tới. Nhiều chi tiết trong kế hoạch này hiện đang vấp phải sự phản đối của một số thượng nghị sĩ Dân chủ lẫn Cộng hòa. Kent Conrad, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện, cho biết ông hoài nghi kế hoạch kích cầu bằng cách giảm thuế 1.000 USD cho mỗi gia đình lao động. Ông cho rằng sáng kiến này giống như cấp thẻ mua hàng, mà người đóng thuế thường muốn tiết kiệm chứ không chi tiêu, do vậy không kích thích tiêu dùng. Thượng nghị sĩ John Kerry thì chỉ trích đề nghị miễn thuế 3.000 USD cho chủ doanh nghiệp khi thuê một nhân viên mới. Theo ông Kerry, việc này khó giám sát và không thể chứng minh trên thực tế là doanh nghiệp có thuê người mới hay không.
Một số nhà phân tích cũng hoài nghi đề xuất về năng lượng thay thế và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của ông Obama. Theo họ, liệu ông Obama có khả năng tăng chi tiêu cho nguồn nhiên liệu tái sinh (với chi phí cao hơn) trong lúc kinh tế Mỹ đang suy thoái?
N.MINH (Theo NYT, Reuters, IHT)