27/03/2023 - 07:57

Xung đột Nga - Ukraine kích hoạt chạy đua hạt nhân ? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy nhanh quá trình phá vỡ cấu trúc kiểm soát vũ khí quốc tế được xây dựng một cách kỹ lưỡng từ thời hậu Chiến tranh Lạnh, làm gia tăng mối lo ngại về sự xuất hiện của một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới.

Tên lửa Iskander-M mà Nga cung cấp cho nước láng giềng Belarus. Ảnh: AP

Trong thông điệp liên bang ngày 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Mát-xcơ-va tạm ngưng tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START), một trong những hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng vẫn còn hiệu lực. Theo ông Putin, Mỹ không tuân thủ các điều khoản đã được ký kết và đang sử dụng chính hiệp ước này như một công cụ để làm suy yếu nước Nga. Ông cáo buộc các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đang nhắm vào Nga, đồng thời quan ngại về dự án phát triển các loại vũ khí mới của phương Tây. Nhà lãnh đạo xứ bạch dương yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga phải đảm bảo sẵn sàng cho việc thử nghiệm hạt nhân của Nga nếu phía Mỹ tiến hành một hoạt động như vậy.

Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho hay, tuyên bố của ông Putin được đưa ra sau những đe dọa cho thấy Mát-xcơ-va sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Một số chuyên gia cho rằng chính việc Nga sử dụng tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để mang đầu đạn thông thường đến Ukraine sẽ làm phức tạp hóa bất kỳ cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí nào trong tương lai, trong bối cảnh mối quan hệ “lạnh như băng” giữa Washington và Mát-xcơ-va làm lu mờ hy vọng rằng Nga và Mỹ có thể đàm phán tìm ra giải pháp nhằm thay thế New START vào thời điểm hiệp ước này hết hạn vào tháng 2-2026.

Hiện những lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân đang gia tăng trên toàn cầu khi mà Iran gần đây bị cáo buộc làm giàu uranium đến độ tinh khiết gần với cấp độ sản xuất vũ khí, trong khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về chương trình vũ khí mở rộng của Bình Nhưỡng bị đình trệ. Tại các quốc gia đồng minh của Mỹ, nhiều cuộc thảo luận được tiến hành xung quanh việc cần thiết phải xem xét lại các chính sách phi hạt nhân của họ trong thời đại có nhiều biến động như hiện nay.

Trong khi đó, các cuộc tranh luận về lợi ích của việc đạt được các thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga trong tương lai ở Washington ngày càng nóng lên giữa lúc Trung Quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn nhưng lại dường như không quan tâm đến việc đàm phán kiểm soát loại vũ khí này. Theo ước tính của các quan chức Mỹ, Trung Quốc có khoảng 400 đầu đạn hạt nhân và con số này có thể lên tới 1.500 vào năm 2035. Matthew Kroenig, thành viên tổ chức tư vấn Hội đồng Ðại Tây Dương (Mỹ) cho rằng ngay cả khi Ðiện Kremlin không hủy bỏ New START vào năm 2026, khả năng Quốc hội Mỹ đồng ý đưa ra một giải pháp thay thế hiệp ước này mà không tính đến những tiến bộ hạt nhân của Trung Quốc về cơ bản là “bằng không”. “Tương lai của việc kiểm soát vũ khí có vẻ khá ảm đạm” - ông Kroenig lo ngại.

Thật ra, việc kiểm soát vũ khí trở nên khó khăn ngay cả trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Năm 2002, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo do cho rằng hiệp ước này là không cần thiết. Sau đó vào năm 2019, Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, một thỏa thuận khác nhằm hạn chế các loại tên lửa đạn đạo, cũng đã sụp đổ sau nhiều năm Washington cáo buộc Mát-xcơ-va vi phạm.

Giới phân tích cho rằng tuyên bố về việc tạm hoãn tham gia New START của ông Putin dù không hoàn toàn giết chết hiệp ước nhưng đã làm nó suy yếu nghiêm trọng.

Chia sẻ bài viết