18/06/2014 - 21:30

Xung đột lợi ích

Dù kịch liệt chỉ trích, thậm chí cấm vận Nga về vấn đề Ukraina, các quốc gia châu Âu vẫn phải cố duy trì lợi ích kinh tế của mình, trong đó có các hợp đồng xuất khẩu vũ khí béo bở.

Đơn cử là Pháp đã “phớt lờ” mọi yêu cầu của các nước đồng minh đòi hủy bỏ thương vụ bán 2 tàu chiến hiện đại Mistral trị giá 1,7 tỉ USD cho Nga, dù bản thân Paris lên án các hành động can thiệp của Mát-xcơ-va vào Ukraina. Pháp hiện là đối tác cung ứng vũ trang “nhiệt tình nhất” của Nga với giá trị đơn hàng năm 2010 cao gấp ba lần so với năm 2009.

Các số liệu tổng hợp từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) cũng cho thấy Đức, Ý và CH Czech đã đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị quân sự sang Nga trong những năm gần đây. Như nhà thầu quốc phòng Rheinmetall của Đức xây dựng một trung tâm huấn luyện quân sự công nghệ cao trị giá 163 triệu USD ở Mulino, Tây Nam nước Nga. Ý cũng đồng ý bán cho Nga 60 xe bọc thép cùng với các hệ thống điện tử và radio mới để giúp cường quốc quân sự hàng đầu này nâng cấp máy bay chiến đấu.

Nghịch lý là chỉ cách đây vài năm, quân đội Nga gần như không bao giờ mua thiết bị quân sự bên ngoài và chỉ thay đổi sau cuộc chiến tranh chớp nhoáng với nước láng giềng Gruzia hồi năm 2008. Dù Nga giành chiến thắng, nhưng thực tế cho thấy binh lực một thời hùng mạnh của nước này không được trang bị tốt với số vũ khí lạc hậu từ thời Xô-viết và thiếu tính tổ chức chiến đấu cao. Do vậy, Nga đã quay sang cậy nhờ phương Tây để tăng cường khả năng quân sự. Igor Sutyagin - chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) – cũng nhận định thiết bị vũ trang của châu Âu đóng vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Nga.

Chuyện các nước châu Âu một mặt công khai phê phán Nga sáp nhập bán đảo Crimea và đe dọa an ninh quốc gia Ukraina nhưng mặt khác lại bán khí tài cho Nga đang đẩy họ vào tình thế “dễ ăn, khó nói”, khi mà lời nói không đi đôi với việc làm. Tuy nhiên, đây là vấn đề xung đột lợi ích thường gặp trong quan hệ quốc tế thời toàn cầu hóa.

NGUYỆT CÁT (Theo Washington Post)

NGUYỆT CÁT (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết