24/04/2025 - 03:47

Xuất khẩu cá rô phi: Nhiều tiềm năng 

Rô phi là loại cá thịt trắng, giàu dinh dưỡng và có thể chế biến nhiều món ăn ngon nên được người tiêu dùng tại các thị trường trên thế giới ưa chuộng và nhu cầu sử dụng ngày càng tăng. Với diện tích mặt nước lớn và nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi cá rô phi, Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển xuất khẩu cá rô phi và đưa con cá rô phi trở thành một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực trong tương lai.

Nhu cầu lớn

Nước ta có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá rô phi, nhất là khi thị trường thế giới đang gia tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá rô phi. Hiện cá rô phi được nhập khẩu mạnh tại nhiều nước như Israel, Hoa Kỳ, Canada, các nước ở châu Âu… Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký VASEP, cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu cá rô phi Việt Nam còn khá nhiều bởi nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trên toàn cầu đang tăng mạnh. Quy mô thị trường cá rô phi toàn cầu đã đạt giá trị 10,6 tỉ USD trong năm 2024 và dự báo đạt 14,5 tỉ USD vào năm 2033. Năm 2024, sản lượng rô phi toàn cầu đã đạt 7 triệu tấn, trong đó Việt Nam đạt hơn 300.000 tấn. Dự kiến trong năm nay sản lượng cá rô phi toàn cầu tăng lên đạt mức 7,3 triệu tấn nhờ nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng bởi loại cá này có nguồn protein dồi dào và giá cả phải chăng, phù hợp với xu hướng lựa chọn để ăn uống lành mạnh của người tiêu dùng.

Thu hoạch cá rô phi được nuôi theo mô hình thả nuôi trên ruộng mùa lũ tại một hộ dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Thời gian qua, do còn gặp các khó khăn, cũng như việc đầu tư phát triển chuỗi ngành hàng cá rô phi chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến sản lượng và giá trị xuất khẩu cá rô phi của nước ta còn hạn chế. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cá rô phi đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Kim ngạch xuất khẩu cá rô phi liên tục tăng và hiện sản phẩm cá rô phi của nước ta đã có mặt tại nhiều thị trường quốc tế. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá rô phi và cá điêu hồng của nước ta trong năm 2024 đạt trên 41 triệu USD, tăng 137% so với năm trước, trong đó xuất khẩu cá rô phi đạt trên 27,8 triệu USD. Quý I-2025, kim ngạch xuất khẩu cá rô phi và điêu hồng tiếp tục tăng mạnh hơn 130% so với cùng kỳ, đạt gần 14 triệu USD. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 46%, với hơn 6,3 triệu USD và thị trường Nga chiếm 13% với gần 1,8 triệu USD. Kế đến là các thị trường Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico, Đài Loan (Trung Quốc), Puerto Rico, Cameroon, Đôminich, Anh, Malaysia, Đức, Colombia và Saudi Arabia.

Để phát triển xuất khẩu bền vững

Việt Nam có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên và khí hậu để nuôi cá rô phi, đặc biệt tại vùng ĐBSCL có diện tích mặt nước lớn, với hơn 3.300ha rất lý tưởng cho nuôi cá rô phi. Con cá rô phi có khả năng chịu được nước mặn với nồng độ cao nên có thể nuôi tại các vùng nước ngọt và cả các vùng nước lợ. Chu kỳ nuôi cá rô phi tương đối ngắn, với thời gian nuôi khoảng 5-6 tháng là cá có thể đạt trọng lượng 600-800 gr/con. Với việc áp dụng các kỹ thuật nuôi tiên tiến và tiết kiệm chi phí, nước ta cũng đã và đang tiếp tục có điều kiện thuận lợi trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, việc phát triển nuôi trồng và xuất khẩu cá rô phi ở nước ta vẫn còn gặp các khó khăn do còn yếu trong các khâu sản xuất con giống, thức ăn và phát triển chế biến, bảo quản sản phẩm. Liên kết giữa các bên còn "lỏng lẻo", giá thu mua cá thường xuyên biến động nên nông dân chưa an tâm gắn bó với con cá rô phi và hiện chưa hình thành được các vùng nuôi tập trung quy lớn. Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, cho rằng nước ta cần kịp thời cải tiến và tổ chức lại việc sản xuất theo hướng tăng cường liên kết chuỗi để phát triển nuôi trồng và xuất khẩu bền vững. Chú ý đầu tư nghiên cứu giống chất lượng cao và kháng bệnh tốt gắn với phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi để tránh phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu và nâng cao khả năng chế biến, bảo quản sản phẩm, đa dạng các sản phẩm chế biến sâu.

Ông Phạm Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nông Lâm Vina, cho biết: "Chúng tôi đã từng tham gia nuôi cá rô phi và hiện đang là nhà cung cấp thức ăn cho các hộ, vùng nuôi cá rô phi ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua thực tế sản xuất cho thấy, điều khó khăn nhất hiện nay đối với người nuôi cá rô phi là giá cả đầu ra sản phẩm chưa ổn định vì còn thiếu doanh nghiệp bao tiêu. Các cơ quan chức năng cần quan tâm hỗ trợ, tạo sự kết nối và liên kết giữa ao nuôi với nhà máy chế biến, tạo ra chuỗi cung ứng tốt, có như vậy mới phát triển xuất khẩu, nếu không nông dân chỉ nuôi và bán nhỏ lẻ..". Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, cho rằng: "Cần phát huy vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị cá rô phi, từ đó phối hợp tốt với các hộ dân để xây dựng phát triển vùng nuôi và gắn kết chặt với các khâu sản xuất giống, thức ăn… nhằm  tổ chức sản xuất. Qua đó, phát triển nuôi trồng và chế biến cá rô phi đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu". Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng nhóm toàn cầu Nghiên cứu phát triển thủy sản De Heus, tới đây các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần quan tâm phát triển cá rô phi thành sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam sau tôm nước lợ và cá tra. Chú ý phát triển sản xuất dựa trên việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó tập trung phát triển thị trường xuất khẩu làm động lực phát triển. Tổ chức sản xuất phù hợp với từng vùng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, năng lực chế biến của từng địa phương. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào nghiên cứu, phát triển sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cá rô phi là một trong những đối tượng tiềm năng được khuyến khích phát triển. Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, những năm gần đây Việt Nam có nhiều tín hiệu tốt về xuất khẩu cá rô phi, diện tích nuôi tăng lên, sản lượng nuôi trên 310.000 tấn/năm. Tuy nhiên, ngành hàng cá rô phi cũng còn gặp nhiều thăng trầm. Các bên liên quan cần quan tâm phối hợp, tìm hướng khai thác được tiềm năng, lợi thế của ngành hàng cá rô phi bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Để làm được điều này, đòi hỏi từ người nuôi đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tính toán liên kết, xây dựng được thương hiệu cá rô phi Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết