02/08/2009 - 20:04

Xuất khẩu 5 tháng cuối năm sẽ hồi phục?

Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2009. (Hoạt động của Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành, TP Cần Thơ).
Ảnh: ANH KHOA 

Thông tin mới nhất từ Bộ Công thương cho biết chỉ tiêu xuất khẩu năm nay đã được cắt giảm gần 5%, xuống còn 61 tỉ USD, do giá hàng hóa xuất khẩu giảm và nhu cầu của các nước nhập khẩu vẫn chưa tăng trở lại. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 4,75 tỉ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay lên khoảng 32,3 tỉ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 64,7 tỉ USD như hồi đầu năm sẽ rất khó, vì tính ra trong 5 tháng cuối năm cần phải đạt khoảng 6,5 tỉ USD mỗi tháng. Điều này vượt ngoài khả năng, vì theo thống kê từ tháng 9-2008 tới nay, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng luôn ở mức dưới 6 tỉ USD.

Xuất khẩu tháng 7 tăng khoảng 1% so với tháng 6, nhưng nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm mạnh giá trị. Đáng kể nhất là dầu thô chỉ đạt 3,7 tỉ USD, giảm gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Dệt may tuy đạt khoảng 900 triệu USD trong tháng 7, thấp hơn tháng trước khoảng 40 triệu USD, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 7 tháng ước đạt 5,02 tỉ USD, trở thành ngành công nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất hiện nay.

Trong khi đó, nhiều mặt hàng khác vẫn có số lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá trị không tăng, thậm chí còn giảm. Ví như, trong 7 tháng qua, xuất khẩu gạo đạt 4,23 triệu tấn, tăng 45% so với cùng kỳ, gần chạm chỉ tiêu về sản lượng xuất khẩu, nhưng kim ngạch chỉ hơn 1,9 tỉ USD, giảm 29%. Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản cũng tăng về lượng, nhưng giá trị chỉ đạt 7,13 tỉ USD, giảm 8,2%; nhiên liệu khoáng sản đạt gần 5 tỉ USD, giảm 40,1%. Nhiều mặt hàng bất ngờ vươn lên chiếm thị phần lớn trên thế giới như tiêu và cà phê, nhưng không kéo được kim ngạch xuất khẩu do giá các mặt hàng này giảm mạnh trước nạn đầu cơ của nước ngoài.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ, giày dép, thủy sản... đã điều chỉnh giảm mục tiêu kim ngạch so với kế hoạch đầu năm. Cụ thể, dệt may từ 10,5 tỉ USD xuống còn 9,1 tỉ USD, giày dép từ 5,1 tỉ USD xuống còn trên 4 tỉ USD, đồ gỗ từ 3 tỉ USD xuống 2,8 tỉ USD...

Tuy nhiên, dự báo tình hình xuất khẩu 5 tháng cuối năm sẽ diễn biến khá hơn. Trước hết là Hiệp định đối tác toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản đã được thông qua và đến tháng 10-2009 sẽ có hiệu lực. Đây là cơ hội cho ngành dệt may và thủy sản của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này khi có tới hơn 90% hàng hóa được miễn thuế. Kế đó là việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế danh mục thông thường trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), theo đó sẽ có 50% tổng số dòng thuế giảm còn 0-5% trong năm 2009. Nhiều mặt hàng của Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn là thị trường chủ yếu kể từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự báo sẽ hồi phục sớm hơn dự kiến, tạo cơ hội mở lại thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng trong trường hợp kinh tế thế giới phục hồi vào đầu quý 4 và giá dầu thô tăng trên 70 USD/thùng, thì kim ngạch xuất khẩu có khả năng đạt mục tiêu như hồi đầu năm là tăng 3% so với năm trước.

N.MINH

Chia sẻ bài viết