Dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của con người, trong đó có văn hóa đọc. Ngành xuất bản sách theo đó cũng đã có những sự chuyển hướng về thị trường và nội dung.

Global English Editing - công ty xuất bản và hiệu đính trực tuyến hàng đầu tại Mỹ và trên thế giới - vừa có báo cáo nghiên cứu về thói quen đọc sách và tình hình xuất bản trong bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, Ấn Ðộ là quốc gia có tỷ lệ thời gian đọc sách cao nhất trên thế giới, bình quân mỗi người dành 10,42 giờ/năm cho việc đọc sách. Kế đến là Thái Lan với 9,24 giờ/năm và Trung Quốc là 8 giờ/năm. Ðáng chú ý là khi dịch bệnh bùng phát có đến 35% số người được khảo sát trên thế giới dần hình thành thói quen tiếp cận sách qua nhiều hình thức: đọc bản giấy hay ebook, nghe audio book hoặc podcast.
Các thể loại sách được tìm đọc và nghe cũng đa dạng và cho thấy sự thay đổi. Trong đó, thể loại tiểu thuyết lãng mạn chiếm đến 1/3 lượng sách được bán ra trong lúc dịch bệnh. Các sách về tôn giáo, khoa học viễn tưởng thường được độc giả lựa chọn ở định dạng audio book; trong đó “The Stand” (ảnh) của nhà văn Stephen King được tìm đọc nhiều nhất.
Thống kê từ ứng dụng đọc sách E-reader cho thấy những tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết trinh thám tội phạm và lãng mạn được bạn đọc tiếp cận nhiều hơn ở định dạng ebook và audio book. Trong số 35% người đọc sách mùa dịch, có 14% đọc sách vì thói quen sẵn có. Các quốc gia có tỷ lệ người đọc sách nhiều theo thói quen là Tây Ban Nha với 20%, Trung Quốc là 17% và Italy với 16%. Trong đó, giới trẻ có tần suất đọc và nghe sách nhiều nhất, kế đến là thiếu nhi và nhóm người ở độ tuổi trung niên.
Mặc dù ngành xuất bản sách chịu tác động lớn từ COVID-19 khi đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng doanh số bán sách bản giấy vẫn khả quan hơn so với ebook và audio book. Nguyên do nhờ sự phát triển của các sàn giao dịch trực tuyến và mạng xã hội. Cụ thể, tại Thổ Nhĩ Kỳ, doanh số bán sách qua hệ thống trực tuyến tăng 30%. Riêng tại New Zealand, số thành viên đăng ký các trang bán sách trực tuyến tăng 50%. Do dịch bệnh, nhiều trẻ em không thể đến trường, cũng khiến doanh số bán sách giáo dục và sách thiếu nhi tăng mạnh. Nổi bật nhất là ở Anh, mảng sách này tăng đến 234% so với thời điểm trước dịch bệnh bùng phát.
Báo cáo từ Global English Editing cũng cho thấy có tới 74% trong số người Brazil được khảo sát cho rằng họ đã tìm đến sách trong mùa dịch. Còn Mexico đứng thứ hai với 71%, kế đến là Colombia, Chile, Peru. Riêng ở châu Á, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc là những quốc gia có tỷ lệ số sách được đọc bình quân trên đầu người cao. Trong đó, xu hướng đọc ebook bùng nổ ở Trung Quốc với 455 triệu người dân nơi đây đọc ebook trong mùa dịch.
Như vậy, mức tăng trưởng của sách giáo dục và các thể loại sách dành cho thiếu nhi vẫn sẽ ổn định và phát triển nếu dịch bệnh vẫn kéo dài. Trong khi đó, tiểu thuyết lãng mạn cũng được xếp vào thể loại phổ biến và có sức hút với nhiều độc giả ở nhiều quốc gia. Riêng mảng sách khoa học viễn tưởng được dự đoán sẽ trở thành xu hướng được tìm kiếm nhiều hơn khi có nhiều tác phẩm đang được Netflix chuyển thể thành phim. Ngoài ra, các thể loại sách về tâm lý, về dịch bệnh COVID-19, trí tuệ nhân tạo cũng có xu hướng được quan tâm. Mặt khác, mô hình số hóa trong ngành xuất bản đang được triển khai và những định đạng ebook, audio book và podcast càng tiếp cận nhiều thị trường, trở nên phổ biến hơn.
MINH NHIÊN
(Theo Global English Editing)