04/02/2010 - 20:57

Xóm tàu hủ ky vào mùa hàng Tết

Ông Ba Hoàng chủ lò tàu hủ ky ở Mỹ Hòa.

Trước tháng Chạp được tin sản phẩm tàu hủ ky Ba Hoàng (Đinh Công Hoàng) ở ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) làm hàng đạt tiêu chuẩn đưa vào bán siêu thị trên Sài Sòn, lập tức bên kia bến phà Cần Thơ dân hàng quán ăn uống đã dò la sang sông Hậu đặt hàng mua tới tấp...

Từ TP Cần Thơ qua phà sang sông Hậu theo đường quốc lộ 1A chừng hơn 1km tới ngã ba Cây Me rẽ vào bến đò Bờ Chùa, bên kia sông Cái Vồn (huyện Bình Minh-Vĩnh Long) là một một xóm nhỏ nhà cửa nhấp nhô, khói trắng nhả theo ống khói đong đưa trong ráng chiều đỏ ửng đẹp như tranh vẽ. Vừa đặt chân lên bến đò thì mùi sữa đậu hủ thơm lừng ngạt ngào tỏa ra khắp xóm. Khung cảnh thật yên vui, đầm ấm. Nhà nào cũng có người tới lui lăng xăng lo bổ củi, xúc than, ngâm đậu. Trước sân là giàn sào phơi tàu hủ giăng giăng. Dân làm tàu hủ trong xóm nói từ độ mùng mười tháng Chạp trở đi cho tới sau Tết ra rằm tháng Giêng sang năm mới, cả xóm với hơn 20 lò chuyên làm tàu hủ ky vào mùa làm hàng tất bật để bán trong dịp Tết. Lượng hàng làm trong ngày thường từ xóm này bán ra khắp các tỉnh thành trong vùng miền Tây và đưa lên TP Hồ Chí Minh khoảng 2 tấn/ngày, trong tháng cao điểm cung hàng Tết làm không ngơi tay để kịp gia tăng lượng hàng lên hơn gấp đôi.

Trên đất xã Mỹ Hòa này từng vang xa trong và ngoài nước với giống bưởi Năm Roi ngon lành và bây giờ lại có thêm một sản phẩm của làng nghề nổi tiếng là tàu hủ ky. Ông Ba Hoàng, 61 tuổi, là người nối nghiệp làm tàu hủ ky thế hệ thứ tư ở xóm này, kể: “Nghề làm tàu hủ ky có nguồn gốc lâu đời của người Hoa. Vào năm đầu tiên của thế kỷ trước (1901), ông Châu Sầm là dân Việt gốc Hoa về đây lấy vợ và làm cư dân xóm này. Hồi xưa đất rộng người thưa, bên cạnh nghề nông quanh năm với ruộng vườn, ông Sầm khởi sự xây lò làm tàu hủ ky bán ra các chợ có đông hàng quán của người Hoa lân cận trong vùng. Nghề này có lúc hưng thịnh nhất là vào những năm trước 1975. Về sau, tuy lắm lúc thăng trầm nhưng lớp con cháu ông Châu Sầm và người trong xóm vẫn cố gắng duy trì giữ được làng nghề mãi đến ngày nay. Nghề nấu tàu hủ ky tuy không khó làm nhưng đòi hỏi cực công, bền chí. Hồi trước ở Sài Gòn có đông người Hoa, cũng có xóm, có kênh tàu hủ nổi tiếng, nhưng rồi nghề thủ công này dần dần mai một khi gặp khó mặt bằng, phải dời địa điểm sản xuất ra ngoại thành. Vì vậy mấy năm gần đây tàu hủ ky ở Mỹ Hòa, huyện Bình Minh mới cung hàng ngược lên trên Sài Gòn được”.

Ông Ba Hoàng lược thuật: Tàu hủ ky là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng được chế biến từ đậu nành sạch 100%, vì không dùng bất kỳ hóa chất nào. Món ăn của người Hoa và nhất là những người ăn chay thường chế biến với món này. Nhờ xóm nằm cạnh bên một nhánh sông nhỏ của sông Hậu nước ngọt quanh năm, nên nguồn nước sạch lắng trong giữ màu sắc óng vàng của miếng tàu hủ. Qui trình chế biến khá đơn giản, đậu nành xay rồi ngâm khoảng 2-3 giờ đổ vào nước rút vỏ sảy cho hạt đậu thật sạch và bỏ vào cối xay nhuyễn thành bột. Sau đó vắt lấy nước (xác đậu bỏ đi có thể dùng làm thức ăn gia súc hay cho cá) và đổ vào lò nấu lửa than nóng âm ỉ và khi miếng tàu hủ đọng thành váng, thợ nấu sẽ dùng thanh trúc gợt miếng tàu hủ phơi vắt trên sào. Từ một chảo nấu tàu hủ ky cho ra 5 loại sản phẩm: tàu hủ ky miếng lớn; tàu hủ cọng non, tàu hủ cọng khô - 35.000 đồng/kg; ốc đậu (ốc heo dành cho người ăn chay bó giò thủ), miếng tàu hủ ky xếp hình dáng hao hao giống cá lưỡi trâu dùng để muối sả ớt - 50.000 đồng/kg và những cọng tàu hủ nhỏ chế biến cá cơm chay - 20.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, nghề nấu tàu hủ ky cũng trúng thất theo mùa. Từ tháng 11 âm lịch trở đi tới ra Giêng, tháng nắng nước sông trong xanh nấu tàu hủ dễ đạt năng suất cao. Một lò bình quân có 18 chảo, một ca nấu hơn 20 giờ với 90kg đậu nguyên liệu thu được 35 kg tàu hủ ky các loại thành phẩm. Hiện nay, dân làm tàu hủ xóm này mỗi lò đều có mối mang riêng và bán hàng, chuyển hàng gần xa khắp nơi qua điện thoại đặt hàng. Mới đây mấy chục chủ lò chịu ngồi lại cùng vào hợp tác xã để liên kết làm ăn, tính chuyện xây dựng thương hiệu. Chính quyền địa phương cũng ủng hộ, ngân hàng cho vay để phát triển làng nghề. Một lò thường xuyên có 7-8 thợ lành nghề và cả xóm có hơn trăm lao động làm việc quanh năm.

Cận Tết thực phẩm chế biến, nhiều nhất là món chay thanh sạch nên tàu hủ ky được đặt hàng nhiều. Giới chủ lò cho biết, đắt hàng hàng làm không kịp. Nhưng cũng từ mấy ngày cận Tết này nguyên liệu đậu nành bất chừng lên giá 12.000 đồng/kg, tăng thêm 500-600 đồng/kg so với Tết năm ngoái khiến cho giá sản phẩm tàu hủ ky phải tăng thêm bình quân 5.000 đồng/kg. Người dân làm tàu hủ ở xã Mỹ Hòa tiếc rẻ: “Xưa kia quanh vùng lân cận đều có trồng đậu nành. Đậu từ cù lao Lục Sĩ Thành miệt Trà Ôn đưa lên hay phía xã trên Tân Quới, Tân Lược, huyện Bình Tân chở về. Bây giờ mỗi khi khan nguyên liệu thì nông dân quanh vùng lân cận lại ít ai trồng. Người làm tàu hủ phải đi lên Châu Đốc (An Giang) hay thậm chí mua đậu từ bên Campuchia chở về...

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết