31/10/2008 - 20:26

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre:

Xóa thế "ốc đảo", Bến Tre ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thương mại - dịch vụ

Dự kiến Cầu Rạch Miễu sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng trong tháng 1-2009, cầu Hàm Luông cũng sẽ được thông xe kỹ thuật cuối năm 2009. Đây là những tin vui cho người dân Bến Tre. Việc giao thương giữa Bến Tre với các địa phương trong khu vực ĐBSCL và cả nước sẽ thuận lợi hơn, tạo động lực mới cho tỉnh trong phát triển kinh tế- xã hội. Phóng viên Báo Cần Thơ vừa có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, xung quanh định hướng phát triển thời gian tới.

* Cầu Rạch Miễu hoàn thành có ý nghĩa như thế nào đối với Bến Tre trong thu hút đầu tư, thưa ông?

- Bến Tre là một trong những tỉnh giao thông cách trở nhiều nhất ở khu vực ĐBSCL. Thời gian qua, mức độ và tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh chậm so với các địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, từ năm 2002, khi cầu Rạch Miễu khởi công, đây là tin tốt đẹp đối với Đảng bộ và người dân tỉnh Bến Tre. Có người nói không thể hình dung Bến Tre sẽ có cây cầu, bởi cả trăm năm đi phà. Ban đầu khởi công xây dựng cầu cũng có những khó khăn, nhưng giờ cây cầu đã định hình và cuối năm 2008 sẽ hoàn thành. Không chỉ xóa thế ốc đảo của Bến Tre mà còn tạo điều kiện kết nối giao thông thuận lợi ra các địa phương khác.

Từ khi cầu Rạch Miễu khởi công, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã ý thức được tác động của nó đến sự phát triển kinh tế- xã hội cũng như thu hút đầu tư vào địa phương. Do đó, đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ năm 2002 đến nay, Bến Tre đã tiếp đón rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư. Tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng trong việc qui hoạch Khu công nghiệp tập trung (KCN Giao Long, An Hiệp) và giải phóng mặt bằng giao cho nhà đầu tư. Có thể nói, nhà đầu tư đến tỉnh rất hài lòng và tốc độ đăng ký đầu tư khá tốt. Trước đây, nhà đầu tư đến Bến Tre nhưng chưa có cầu nên họ không quay trở lại và thu hút những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 3 đến 5 triệu USD đã là thành công. Còn từ khi cầu Rạch Miễu khởi công, nhà đầu tư đến đều mong muốn đầu tư tại Bến Tre và có nhiều dự án vốn đầu tư hơn 50 triệu USD. Hiện tại, tỉnh đang khẩn trương giải phóng mặt bằng để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) và phù hợp với tình hình mới khi cầu Rạch Miễu khánh thành và đưa vào sử dụng.

* Ông đánh giá như thế nào về những dự án đầu tư vào tỉnh trong thời gian qua?

- Có thể nói, nhà đầu tư đến Bến Tre cũng đúng với ý đồ kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là trên lĩnh vực chế biến nông- lâm- thủy sản (sản phẩm chế biến từ dừa, cây ăn trái, thủy sản, thức ăn thủy sản...). Hiện nay, DN Thái Lan, Sri Lanka, Malaysia, Hàn Quốc... chiếm phần lớn dự án đầu tư nước ngoài của tỉnh.

Bên cạnh đó, các DN trong tỉnh cũng nhận thấy cơ hội kinh doanh và hợp tác nên đã cố gắng tiếp cận với những DN nước ngoài để mở rộng qui mô và tranh thủ sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Nhiều DN mới thành lập, mở ra cơ hội việc làm cho người lao động và làm tăng giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh. Do vậy, cầu Rạch Miễu hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân Bến Tre.

* Như vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển này đã và đang được chuẩn bị ra sao?

- Để đảm bảo thu hút đầu tư, giải quyết việc làm... Tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các Trung tâm dạy nghề, giải quyết việc làm... đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển, cũng như nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra, các trung tâm này còn liên kết đào tạo nghề với DN để phù hợp với nhu cầu về tay nghề thực tế tại DN. Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực ở cơ quan nhà nước, DN để phù hợp với tình hình mới. Như cơ quan hành chính công phải ý thức được việc cải cách hành chính để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, DN một cách thuận lợi nhất, đồng thời nâng cao kiến thức hội nhập cho DN (bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, quản trị DN...).

Dự kiến cầu Rạch Miễu sẽ thông xe kỹ thuật trong tháng 11-2008. Ảnh: THANH LONG

* Đối với nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao, tỉnh có chính sách thu hút lực lượng này như thế nào?

- Thời gian qua, Bến Tre rất thành công trong thu hút nguồn nhân lực khi đẩy mạnh phát triển thủy sản. Với khoảng mấy trăm sinh viên khi tốt nghiệp ngành thủy sản về tỉnh công tác. Lực lượng này không trực tiếp làm việc ở các cơ quan nhà nước mà gắn trực tiếp với DN, nhưng đã góp phần chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi và nâng cao giá trị cho ngành thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đến thu hút nguồn nhân lực ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, ngoại ngữ, cán bộ có trình độ quản lý... nhưng lực lượng này chưa thu hút được nhiều. Tỉnh sẽ quan tâm đẩy mạnh vấn đề này trong thời gian tới.

* Thưa ông, tỉnh Bến Tre chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nào nhất?

- Hiện nay, tỷ trọng công nghiệp của tỉnh chiếm 18-19% trong cơ cấu GDP và tăng bình quân 15-16%/năm. Nhìn chung con số này chưa cao, bởi trên thực tế đa số những DN có qui mô lớn đang trong thời gian xây dựng và hoàn thành nhà xưởng. Năm 2009, khi những DN này đi vào hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp sẽ tăng lên và đến năm 2010, tỉnh phấn đấu tỷ trọng công nghiệp chiếm 25% trong cơ cấu GDP. Về phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy đã có cuộc họp và đánh giá công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng với vị trí địa lý và điều kiện thổ nhưỡng của Bến Tre, diện tích đất sản xuất trên nông hộ không rộng và đa phần là đất tốt nên tỉnh không đặt nặng phát triển công nghiệp mà ưu tiên phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và du lịch. Bởi nếu phát triển công nghiệp nhiều quá, tác hại môi trường như: nước thải, khí thải, chất thải công nghiệp... sẽ rất khó giải quyết. Tỉnh hiện có 2 KCN tập trung và sẽ qui hoạch thêm 1 hoặc 2 KCN nữa, nhưng tổng diện tích của những KCN này tối đa chỉ khoảng 1.500 ha. Phát triển công nghiệp sẽ tập trung ở vùng các xã phía Đông huyện Châu Thành và du lịch thương mại ở phía Tây huyện Châu Thành (những vùng nước ngọt)...

Với thế mạnh về nông sản, đặc biệt là sản lượng cây ăn trái lớn, mặc dù diện tích bình quân trên nông hộ thấp, nhưng nông dân ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác rất thành công. Do đó, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Với trình độ canh tác hiện tại của nông dân, việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất và chế biến sẽ thuận lợi. Hiện nay, một số vùng sản xuất trái cây đang áp dụng qui trình sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam. Sắp tới, tỉnh sẽ xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn của châu Âu (EureGap) cho bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

* Theo ông, ý nghĩa về mặt giao thông vận tải khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tiết kiệm so với đi phà như thế nào?

- Có thể nói, cầu Rạch Miễu hoàn thành sẽ tạo thuận lợi về lưu thông giữa Bến Tre và các tỉnh thành trong khu vực và TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, thời gian qua phà mất từ 25- 30 phút, trong đó thời gian đi trên phà khoảng 15 phút, thời gian chờ phà và lên phà cũng mất từ 10- 15 phút. Do vậy, khi cây cầu hoàn thành sẽ tiết kiệm thời gian từ 25- 30 phút và tiết kiệm được chi phí khi qua phà. Bởi thu phí qua cầu ít hơn qua phà, đồng thời tiết kiệm được nhiên liệu do phải vận hành máy khi qua phà. Ngoài ra, việc vận chuyển hàng nông sản ra ngoài tỉnh cũng sẽ thuận lợi hơn, DN và người dân không còn e ngại việc chờ phà hay trễ hẹn giao hàng.

Mặt khác, cầu Rạch Miễu không chỉ xóa thế “ốc đảo” Bến Tre mà còn tạo hành lang giao thông phía Đông ĐBSCL, kết nối Bến Tre với Trà Vinh, Sóc Trăng. Rồi cuối năm 2009, cầu Hàm Luông thông xe và tuyến đường từ TP Hồ Chí Minh đi Long An- Bến Tre- Trà Vinh- Sóc Trăng đang đuợc Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn thành. Do vậy, sẽ tạo nên thế liên hoàn trong giao thông bộ giữa Bến Tre và những địa phương này. Hiện nay Bến Tre (huyện Mỏ Cày) đã có phà nối với tỉnh Trà Vinh. Tôi nghĩ trong tương lai, khi những cây cầu Rạch Miễu, Hàm Luông hoàn thành, chắc chắn nhu cầu đi lại bằng con đường này sẽ tăng. Hiện tại lượng DN và khách vãng lai từ Trà Vinh đi TP Hồ Chí Minh khá nhiều qua đường Bến Tre, cho nên những dịch vụ ăn theo cũng sẽ phát triển.

* Thị xã Bến Tre đang phấn đấu lên thành phố, tỉnh đã có bước chuẩn bị gì, thưa ông?

- Hiện giờ, thị xã Bến Tre đã đạt những tiêu chí của đô thị loại 3. Đến 2010, TX Bến Tre phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Tỉnh đang lập đề án trình Trung ương xem xét. Mặt khác, tỉnh đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, xử lý nước thải, xây dựng nhà văn hóa, đảm bảo mật độ an toàn về dân cư và rà soát lại cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật... để đáp ứng tiêu chí thành phố loại 3. Tỉnh cũng tập trung quyết liệt vào giải quyết hạ tầng giao thông cho một thành phố loại 3 vào năm 2010, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới khi cầu Rạch Miễu và Hàm Luông được đưa vào sử dụng.

* Xin cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết