22/12/2015 - 21:15

Xe buýt nhanh - Phù hợp với đô thị Cần Thơ

TP Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL và là một trong những đô thị lớn của cả nước. Tuy nhiên các loại hình giao thông công cộng của thành phố còn hạn chế. Nhất là loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, còn ít tuyến, phương tiện xe thì cũ kỹ. Trung ương đã hỗ trợ thành phố nghiên cứu tiềm năng phát triển giao thông vận tải công cộng TP Cần Thơ, trong đó hệ thống xe buýt nhanh (BRT) được xem là phù hợp.

* BRT phù hợp cho những thành phố lớn

Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và một số sở, ngành thành phố vừa làm việc với lãnh đạo Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) về triển khai nghiên cứu tiềm năng phát triển giao thông công cộng TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, cho biết: Khởi động nghiên cứu tiềm năng phát triển giao thông công cộng để lựa chọn cho TP Cần Thơ có hướng phát triển phù hợp. Giao thông vận tải khối lượng lớn, BRT phù hợp với các đô thị lớn của Việt Nam. BRT đang triển khai thực hiện tại 3 thành phố là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có tiến độ tương đối khả quan. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương triển khai bài bản và cụ thể nhất, Cục Hạ tầng Kỹ thuật đã hỗ trợ cho thành phố xây dựng thương hiệu BRT, chiến lược truyền thông BRT…

 TP Cần Thơ đề xuất xây dựng mới tuyến xe buýt nhanh BRT phục vụ người dân.

Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, TP Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, có tốc độ đô thị hóa nhanh, quy hoạch điều chỉnh chung và quy hoạch giao thông công cộng của thành phố đã được phê duyệt, mạng lưới giao thông của thành phố đã được xây dựng theo quy hoạch nên có thể đầu tư các điểm thu hút được giao thông công cộng, mở tuyến BRT. WB tài trợ cho TP Cần Thơ nâng cấp đô thị, trong đó có phát triển giao thông và hỗ trợ một phần cho nghiên cứu phát triển giao thông công cộng TP Cần Thơ. Cục Hạ tầng Kỹ thuật đã chọn được đơn vị tư vấn (Công ty Integrated Transport Planning của Anh) triển khai thực hiện nghiên cứu này và dự kiến hoàn tất trong vòng 6 tháng tới. Đơn vị tư vấn rất cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ của TP Cần Thơ trong điều tra khảo sát, tham gia ý kiến.

Theo đại diện WB, hệ thống BRT đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, nhiều nơi như châu Âu, Trung Quốc đã có hệ thống BRT hoạt động hiệu quả. BRT tại Việt Nam, Hà Nội đang xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2016, TP Hồ Chí Minh đã khởi động tuyến BRT trên Đại lộ Võ Văn Kiệt và dự kiến thêm 2 tuyến nữa. Đà Nẵng có 1 tuyến BRT đang hoàn thành thiết kế chi tiết, chuẩn bị đưa vào đấu thầu… Nếu TP Cần Thơ phát triển hệ thống BRT sẽ có những bài học rút ra từ 3 thành phố này để triển khai tốt hơn. WB sẽ ủng hộ TP Cần Thơ phát triển BRT vì thành phố nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, mong muốn trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, quy hoạch giao thông của thành phố cũng có đề cập phát triển xe buýt nhanh và vận tải khối lượng lớn…

Theo đơn vị tư vấn của Anh (Công ty Integrated Transport Planning) - đơn vị đã thực hiện hơn 30 dự án lớn về BRT ở các nước, nghiên cứu ở Cần Thơ là định hướng nâng cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt trong 10 năm tới đảm bảo giá thành phải chăng và hiệu quả về mặt chi phí. Các giai đoạn nghiên cứu gồm: phân tích hiện trạng, quy hoạch mạng lưới và hành lang giao thông công cộng, kế hoạch thực hiện…

* Mở và đề xuất phát triển 3 tuyến BRT

Hiện nay, xe buýt đang là phương tiện vận tải hành khách công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố, nhất là những người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên... Thành phố đang có 5 tuyến xe buýt, trong đó có 3 tuyến nội thành và 2 tuyến liên tỉnh. Đó là: Cái Tắc-vòng xoay Hùng Vương-Ô Môn-Lộ Tẻ, Ô Môn-Cờ Đỏ, Lộ Tẻ - Kinh B, Cần Thơ-Đại Ngãi (Sóc Trăng) và Cần Thơ-Bình Minh (Vĩnh Long). Cự ly các tuyến là 216km, có 113 xe (trong đó bình quân có 78 xe buýt hoạt động, 35 xe nghỉ bảo dưỡng) và lượng khách bình quân gần 10.000 lượt khách/ngày. Nhìn chung, số lượng xe buýt của thành phố còn hạn chế và hầu hết đã cũ kỹ, có niên hạn sử dụng trên 10 năm nên khó có thể thu hút hành khách sử dụng loại phương tiện này đi lại… TP Cần Thơ định hướng quy hoạch phát triển xe buýt với mục tiêu thu hút đông đảo người dân tham gia sử dụng; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia khai thác; nâng tỷ lệ đảm nhận đi lại bằng xe buýt đến năm 2015 là 3-5%, 2020 là 7-10% và năm 2030 là 15-30%...

Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, năm 2013, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ và vùng lân cận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch được chia ra làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ phê duyệt quy hoạch đến năm 2015) tập trung nâng cao chất lượng phục vụ các tuyến hiện hữu và mở một số tuyến mới. Giai đoạn 2 (2016-2020) trên cơ sở khai thác các tuyến giai đoạn 1 tiến hành điều chỉnh các tuyến cho hợp lý và mở thêm 9 tuyến mới (gồm nội thành và liên tỉnh). Giai đoạn 3 (2020-2030) tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tuyến đang hoạt động và mở mới 10 tuyến (cũng nội thành và các tỉnh lân cận). Theo quy hoạch này, TP Cần Thơ định hướng phát triển 2 tuyến BRT là: Cần Thơ-Ô Môn và Sân bay quốc tế Cần Thơ – Nam Cần Thơ. Tuy nhiên, TP Cần Thơ đề xuất Bộ Xây dựng, đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng mới 1 tuyến BRT Ô Môn-Nam Cần Thơ… Đối với tuyến BRT Ô Môn-Nam Cần Thơ, Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ đề xuất 4 phương án tuyến để lựa chọn. Đó là hành lang 1 dài 27,7km: Ô Môn (bến xe Ô Môn-quốc lộ 91) – Bình Thủy (quốc lộ 91) – Ninh Kiều (Hùng Vương-Trần Hưng Đạo-3/2-Nguyễn Văn Linh-cầu Hưng Lợi) – Cái Răng (nút giao IC3-quốc lộ 1-bến xe Nam Cần Thơ). Hành lang 2 dài 28,2 km: Ô Môn (bến xe Ô Môn) – Bình Thủy (vành đai sân bay-sân bay Cần Thơ-Võ Văn Kiệt) – Ninh Kiều (Võ Văn Kiệt-Mậu Thân-30/4-Quang Trung) – Cái Răng (nút giao IC3-quốc lộ 1-bến xe Nam Cần Thơ). Hành lang 3 dài 26,3 km: Ô Môn (bến xe Ô Môn-quốc lộ 91B) – Bình Thủy (quốc lộ 91B) – Ninh Kiều (Nguyễn Văn Linh-cầu Hưng Lợi) – Cái Răng (nút giao IC3-quốc lộ 1-bến xe Nam Cần Thơ). Hành lang 4 dài 26,9 km: Ô Môn (bến xe Ô Môn-quốc lộ 91) – Bình Thủy (quốc lộ 91) – Ninh Kiều (Nguyễn Văn Cừ-khu dân cư Hồng Phát-cầu Trần Hoàng Na) – Cái Răng (bến xe Nam Cần Thơ).

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Thành phố cũng đã đề xuất Chính phủ, WB cho triển khai thực hiện thêm dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, trong đó có hợp phần liên quan đến giao thông đô thị, Thành phố sẽ phối hợp tốt, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ đơn vị tư vấn triển khai thực hiện… trước mắt là nghiên cứu tiền khả thi hệ thống giao thông công cộng BRT.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết