26/05/2019 - 10:02

Xây dựng TP Cần Thơ thanh bình và thịnh vượng 

Từ tháng 3-2018, Văn phòng dự án “100 thành phố có khả năng chống chịu” (Văn phòng CRO), Nhóm nòng cốt thực hiện dự án và Tổ chức Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (Tổ chức ISET) đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu tại TP Cần Thơ đến năm 2030. Chiến lược này nhằm xây dựng Cần Thơ trở thành “Một thành phố sông nước, xanh, bền vững, năng động và hội nhập, nơi người dân có cuộc sống sung túc và an toàn trước những cú sốc, áp lực và không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tăng khả năng chống chịu

Trong 15 năm qua, TP Cần Thơ đã đạt được những kết quả vượt bậc về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Hàng loạt các dự án, công trình được triển khai xây dựng, góp phần cải thiện và nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng của thành phố. Một số dự án lớn có thể kể đến như Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL và Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Các dự án đã góp phần xây mới, nâng cấp, mở rộng hàng trăm con hẻm, tuyến đường, cầu giao thông, xây dựng các trường học ở trung tâm thành phố; cải tạo các con rạch lớn như Rạch Tham Tướng, Cái Khế, Rạch Chùa, cải tạo Hồ Bún Xáng và Công viên Lưu Hữu Phước; chỉnh trang đô thị và cải thiện hệ thống hạ tầng thoát nước, đê bao bảo vệ vùng lõi của thành phố trước tác động của ngập lụt…

Cần Thơ được xem là trung tâm động lực kinh tế cho toàn vùng ĐBSCL, song thành phố cũng đối mặt với hàng loạt thách thức tác động đến hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế-xã hội cũng như đời sống và sinh kế của người dân. Tình trạng ngập lụt là một trong những thách thức lớn tác động đến hệ thống hạ tầng đô thị và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn do tác động đồng thời của nhiều yếu tố như: mưa lớn, lũ từ thượng nguồn, triều cường và sụt lún đất… Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu sẽ làm cho mực nước biển gia tăng và tình trạng mưa lớn xuất hiện với cường độ cao hơn và bất thường hơn. Các giải pháp hiện tại chủ yếu tập trung vào hệ thống hạ tầng cứng được thiết kế theo các kịch bản cố định. Tính linh hoạt và năng lực dự phòng để ứng phó với những tình huống bất thường và cực đoan chưa thực sự được tính tới. Nguồn nước cho sinh hoạt và công nghiệp ở Cần Thơ đang và sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố như ô nhiễm, cạn kiệt nước ngầm trong mùa khô, tỷ lệ thất thoát nước ở Cần Thơ vẫn còn khá cao (khoảng 25%).

Để xây dựng Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu tại TP Cần Thơ, các chuyên gia Văn phòng CRO và Tổ chức ISET đã phối hợp cùng thành phố tập trung thu thập dữ liệu, thực hiện đánh giá tổng thể về khả năng chống chịu, huy động sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan, phân tích tình trạng vận hành hiện tại của các hệ thống đô thị, xác định các lĩnh vực trọng tâm.

Theo ông Vũ Cảnh Toàn, Cố vấn Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu (Chương trình 100RC), nhóm chuyên gia đã xây dựng khả năng chống chịu của TP Cần Thơ tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm gồm: xây dựng khả năng chống chịu của TP Cần Thơ đối với ngập lụt và ô nhiễm môi trường thông qua phát triển cơ sở hạ tầng xanh; Nâng cao đời sống người dân và giá trị nền kinh tế TP Cần Thơ thông qua việc đánh giá khả năng chống chịu của chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực; Tăng cường khả năng chống chịu của nhóm yếu thế thông qua hỗ trợ sinh kế và môi trường sống; Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch gắn với tăng cường khả năng chống chịu thông qua việc xây dựng cơ chế điều phối liên ngành.

Xác định những vấn đề ưu tiên

Theo các chuyên gia của Chương trình 100RC, Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu cho TP Cần Thơ không phải là một tài liệu cố định mà sẽ được cập nhật định kỳ, tùy theo những thay đổi của thành phố trong tương lai cũng như dựa trên những kết quả đạt được từ quá trình triển khai Chiến lược. Tầm nhìn này được cụ thể hóa với các mục tiêu như: Các cộng đồng có thu nhập đảm bảo và ổn định; được sống trong điều kiện môi trường xanh, sạch, an toàn trước ảnh hưởng của các cú sốc và áp lực về kinh tế, xã hội, môi trường. Thành phố sông nước xanh, bền vững với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, đa dạng và có khả năng thích ứng, chống chịu với các điều kiện thiên tai cực đoan.

Một góc đô thị TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Cần Thơ là đô thị sông nước, nên các chuyên gia cho rằng cần phát huy lợi thế riêng có này và chọn hướng thích ứng, chống chịu phù hợp trong tương lai. Ông Phạm Văn Quỳnh, Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, Chuyên gia tư vấn của Dự án, cho rằng: Để thích ứng với ngập lụt và sạt lở, thành phố phải cân đối giữa việc đào và đắp trong xây dựng các công trình. Thi công hạ tầng cứng để giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách và giải tỏa áp lực cho đô thị nhưng phải tận dụng và tạo thêm mặt nước để tạo cảnh quan và điều hòa lưu lượng nước. Cần tận dụng điều kiện sinh thái tự nhiên, cây xanh truyền thống kết hợp với kè chống sạt lở. Hướng đến phát triển hạ tầng xanh, đô thị xanh, xây dựng TP Cần Thơ thanh bình, thịnh vượng.

Các ý kiến cũng cho rằng, các dữ liệu được cập nhật trong Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu phải tổng quan và bao quát. Bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Cần Thơ, chia sẻ: Trước khi xây dựng Dự thảo Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu tại TP Cần Thơ đến năm 2030, thành phố đã ban hành nhiều Chương trình, kế hoạch liên quan đến việc xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng của thành phố trước tình hình biến đổi khí hậu, triển khai các giải pháp chống ngập, các Dự án Nâng cấp đô thị 1, 2 và 3. Từ những cơ sở này, Dự thảo Chiến lược cần được hoàn chỉnh trên cơ sở bổ sung thêm các kế hoạch, chương trình hành động có liên quan thành phố đã và đang triển khai, xác định những mốc thời gian phù hợp để triển khai các hành động.

Dự kiến trung tuần tháng 6-2019, TP Cần Thơ sẽ chính thức công bố Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu tại TP Cần Thơ đến năm 2030. Bà Lauren Sorkin, Giám đốc Chương trình 100RC Khu vực châu Á, chia sẻ: "Trong các thành phố của Chương trình 100RC, Cần Thơ là một thành phố rất đặc biệt với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL. Chúng tôi mong muốn rằng khi Chiến lược hoàn thành và được công bố, thành phố sẽ đưa vào triển khai nhanh chóng với sự hỗ trợ cả về nguồn lực tài chính lẫn con người để đạt được các mục tiêu đã đặt ra như mong muốn".

Bài, ảnh: LÊ NGUYÊN

Chia sẻ bài viết