03/09/2019 - 08:53

Xây dựng mô hình điểm thức ăn đường phố 

Tại TP Cần Thơ, các quận, huyện đã xây dựng mô hình điểm thức ăn đường phố (TĂĐP) nhằm chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Qua đó còn nâng cao nhận thức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm và góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Huỳnh Văn Nhanh (bên trái, thứ hai), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ trao đổi với thành viên quán bún riêu Hoa Phượng.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Huỳnh Văn Nhanh (bên trái, thứ hai), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ trao đổi với thành viên quán bún riêu Hoa Phượng.

Ngày 27-8-2019, Đoàn Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Cần Thơ đã đi kiểm tra việc thực hiện mô hình điểm TĂĐP ở quận Ô Môn; quận xây dựng mô hình điểm TĂĐP tại đường 26 Tháng 3 (phường Châu Văn Liêm) và mô hình phường điểm an toàn thực phẩm. Ông Lâm Hữu Tính, Trưởng Trạm y tế phường Châu Văn Liêm, cho biết: "Có 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và TĂĐP trên tuyến đường 26 Tháng 3. Trạm y tế đã tham mưu thành lập Tổ An toàn vệ sinh thực phẩm phường gồm các ban, ngành, đoàn thể phối hợp công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát. Trạm y tế cũng mời các cơ sở đến tuyên truyền, khuyến khích chủ cơ sở khám sức khỏe. Các hộ không đến, cán bộ trạm đến tận cơ sở phát tờ rơi. Trong các đợt thanh, kiểm tra, cũng thực hiện kiểm tra tuyến đường 26 Tháng 3”.

Bà Lê Thị Chi, chủ quán bún bò huế Nguyên Khôi (đường 26 Tháng 3), cho biết: “Tôi bán bún nhiều năm ở đây. Cán bộ y tế mời đi tập huấn, khám sức khỏe, tôi đều thực hiện đầy đủ. Tôi cũng biết thêm về cách bảo quản thực phẩm, chế biến đúng; chọn mua cơ sở bán thịt có kiểm dịch, mỗi lần mua cần xin hóa đơn”. Anh Nguyễn Thanh Hùng, quán Hoa Phượng, chuyên bán bún riêu trên đường 26 Tháng 3, cũng cho biết: qua các lớp tập huấn, tuyên truyền, tôi biết thêm nhiều kiến thức như mua hàng có chỗ cố định, có giấy tờ để bảo vệ chính cơ sở mình nếu chẳng may xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm, nhiều thông tin về an toàn thực phẩm...

Theo cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở quận Ninh Kiều, quận xây dựng mô hình điểm TĂĐP ở phố hàng rong Tân An từ năm 2015. Khi mới triển khai rất khó khăn nhưng với sự hỗ trợ của UBND phường, khu vực, trạm y tế... trực tiếp đi vận động, phát loa, tờ rơi tuyên truyền; tiểu thương kinh doanh nơi đây cũng đồng thuận nên vận động thuận lợi. Trong các đợt kiểm tra, tiến hành test nhanh tại chỗ hàn the, dầu mỡ ôi khét, độ sạch dụng cụ, báo kết quả tại chỗ để cơ sở khắc phục, dần dần mô hình đi vào nề nếp. 

9 mô hình điểm thức ăn đường phố: Phố hàng rong Tân An (quận Ninh Kiều), chợ đêm An Thới (quận Bình Thủy), đường Trần Chiên (quận Cái Răng), đường Lê Thị Tạo (quận Thốt Nốt), đường 26 Tháng 3 (quận Ô Môn), tỉnh lộ 922 (đoạn từ cầu Thới Lai đến đường cầu Tắc Cà Đi, huyện Thới Lai), chợ xã Trung An (huyện Cờ Đỏ), Trung tâm thương mại (đường Phù Đổng Thiên Vương, huyện Vĩnh Thạnh) và đường Phan Văn Trị (huyện Phong Điền).

Tuy nhiên trên thực tế, không phải quận, huyện nào cũng thuận lợi như quận Ninh Kiều, mà 8 đơn vị quận, huyện của thành phố đều gặp khó khi xây dựng mô hình điểm TĂĐP. Tại quận Thốt Nốt, khi mời chủ cơ sở lên tập huấn, mời 150 cơ sở nhưng chờ 2 tiếng đồng hồ chỉ có 9 cơ sở đến dự và phần lớn cơ sở TĂĐP thường xuyên thay đổi nơi bán, phát tờ rơi thì họ không đọc, cán bộ y tế tuyên truyền thì họ không muốn tiếp đón... Quận Bình Thủy cũng mời 100 người nhưng chỉ dự 12-13 người; tuyên truyền, phát dụng cụ bảo hộ nhưng khi đoàn đi giám sát thì cơ sở không sử dụng (găng tay, tạp dề...). Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại quận Cái Răng. Một số quận, huyện thì địa điểm tập trung kinh doanh TĂĐP chưa có hệ thống thoát nước, cơ sở mua lượng thực phẩm ít nên không có hóa đơn, chứng từ.

Ông Châu Ngọc Tâm, Phó chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2017, chi cục cấp mỗi quận, huyện trên 16 triệu đồng xây dựng mô hình. Năm 2018, tiếp tục cấp tờ rơi, áp phích, thùng loa, test (kiểm tra nhanh) thực phẩm cho các quận, huyện. Sắp tới, Chi cục mở các lớp tập huấn, trong đó có lồng ghép nội dung mô hình điểm TĂĐP. Về hóa đơn, chứng từ, cơ sở TĂĐP mua lượng thực phẩm ít nên có thể lập sổ tay (như ở quận Ninh Kiều), mỗi lần lấy hàng, nhận hàng phải nhờ bên bán ký nhận để chứng minh nguồn gốc, tự bảo vệ mình khi không may xảy ra ngộ  độc.

Thực hiện chỉ đạo UBND thành phố về xây dựng phường điểm an toàn thực phẩm và mô hình điểm TĂĐP, Sở Y tế TP Cần Thơ có công văn giao trạm y tế thực hiện, Mỗi quận, huyện xây dựng một mô hình điểm TĂĐP. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Huỳnh Văn Nhanh cho biết: Các trung tâm y tế, trạm y tế có nhiều cố gắng thực hiện mô hình, nhưng ngoài quận Ninh Kiều, các đơn vị còn lại chưa đạt. Do vậy, cán bộ y tế phải tìm đến cơ sở để tuyên truyền, mưa dầm thấm lâu, chọn cách thức tuyên truyền cho phù hợp. Đề nghị Chi cục ATVSTP thành phố thường xuyên giám sát quận, huyện, xã, phường để tạo chuyển biến trong thực hiện. Cuối năm có hình thức khen thưởng các đơn vị làm tốt. Các đơn vị cần cắm bảng ghi “Mô hình điểm TĂĐP” để cơ sở, người dân biết.

Bài, ảnh: ĐOÀN LÝ

Chia sẻ bài viết