07/10/2013 - 22:40

Xây dựng Khu Hòa An thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho vùng

Trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ, Khu Hòa An (xã Hòa An, huỵên Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) có Khoa Phát triển nông thôn (PTNT), với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ ưu tiên vùng nông thôn ĐBSCL. Không chỉ thế, việc tập trung đầu tư phát triển Khoa PTNT còn nhằm đào tạo nguồn lực phục vụ phát triển "nông nghiệp, nông dân và nông thôn" (Tam nông) cho vùng.

Mở rộng qui mô, đa dạng ngành nghề

Bạn Võ Duy Phương (quê thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), sinh viên ngành Kế toán khóa 37, Trường ĐHCT, cho biết: "Khóa học kéo dài trong 4 năm. Năm đầu tiên, tôi học các môn đại cương tại khu II, đường 3-2 quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 2 năm tiếp theo học tại khu Hòa An và năm cuối trở về khu II để đi thực tế hoặc thực hành, thực tập. So với trung tâm TP Cần Thơ (khu II) thì điều kiện học tập ở khu Hòa An khó khăn hơn, bởi thiếu thốn trang thiết bị thực hành, thực tập. Tuy nhiên, thầy cô giáo ở đây rất tận tình giảng dạy; nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất". Theo Duy Phương cũng như hầu hết sinh viên, học tại khu Hòa An nhẹ lo chi phí sinh hoạt, đi lại, học tập, vì được học gần nhà… (khoảng 50% sinh viên có hộ khẩu tại tỉnh Hậu Giang).

Sinh viên có thành tích xuất sắc trong năm học 2012-2013 nhận phần thưởng
tại Lễ khai giảng năm học mới ở Khu Hòa An – Trường ĐHCT.

Theo Ban Giám hiệu Trường ĐHCT, việc mở thêm khu Hòa An nhằm tạo điều kiện học tập thuận lợi cho học sinh nông thôn ở các tỉnh lân cận TP Cần Thơ (Hậu Giang, Kiên Giang), góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ĐBSCL. Vì thế, 3 kỳ tuyển sinh qua, chỉ tiêu tuyển sinh cho Hòa An gia tăng hằng năm, nếu như năm học 2010-2011, chỉ tiêu tuyển 500 sinh viên thì năm học 2013-2014 là 580 sinh viên. Riêng năm học 2012-2013, trường mở 2 chuyên ngành mới ở khu Hòa An là Khuyến nông và Kỹ thuật Nông nghiệp. Năm học 2013-2014, Khu Hòa An có 611 tân sinh viên, nâng tổng số sinh viên theo học tại đây lên 1.938 sinh viên ở 7 ngành: Kỹ thuật công trình xây dựng, quản trị kinh doanh, luật, ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin, nông học, phát triển nông thôn. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, nói: "Đây là năm thứ ba trường triển khai đào tạo tại khu Hòa An. Hiện nay, các hoạt động về quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học ở khu Hòa An còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, Ban Giám hiệu trường cố gắng tập trung đầu tư nguồn lực để khu Hòa An phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào thành tích chung của Trường ĐHCT".

"Trung tâm" đào tạo nhân lực cho Tam nông

Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu... Vì thế, vai trò các cơ sở đào tạo nói chung, Trường ĐHCT nói riêng rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ, gắn liền với nhiệm vụ phát triển của vùng. Xác định vai trò quan trọng này, thời gian qua, Trường ĐHCT không ngừng đầu tư nguồn lực để phát triển, trong đó, tập trung phát triển khu Hòa An, thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thực hành, thư viện, ký túc xá, khu thực nghiệm. Riêng năm học 2012-2013, trường đầu tư xây dựng thêm 2 dãy nhà học, đường vào khu ký túc xá, xây dựng mạng wifi internet cho ký túc xá…; tiếp tục xúc tiến Dự án xây dựng Trung tâm giáo dục quốc phòng (tổng mức đầu tư 168,6 tỉ đồng), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014.

PGS.TS Hà Thanh Toàn cho biết: "Trường đã quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 ở khu Hòa An, với mục tiêu xây dựng và phát triển thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu địa phương, chuyển giao khoa học kỹ thuật và giải quyết các vấn đề thực tiễn kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển mô hình nông thôn mới vùng ĐBSCL". Riêng năm học này, Trường ĐHCT tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho khu Hòa An, như: đầu tư một số công trình nhằm tạo điều kiện ăn, ở, học tập, vui chơi giải trí cho sinh viên. Về lâu dài, trường đầu tư xây dựng các khu, như: nhà điều hành và nhà học, ký túc xá, phòng học và phòng thí nghiệm… Đặc biệt, đầu tư xây dựng Khu trình diễn thiết bị máy nông nghiệp, thủy sản và giao thông của Công ty Yarmar cho ĐBSCL; Đề án Phát triển nền văn hóa lúa nước ĐBSCL, trình Bộ Khoa học - Công nghệ nhằm phát triển khu Hòa An thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ cho "Tam nông" ở ĐBSCL.

Tại lễ khai giảng ở khu Hòa An do Trường ĐHCT tổ chức ngày 30-9 vừa qua, ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhấn mạnh vai trò "đầu tàu" của Trường ĐHCT trong việc cung cấp nguồn nhân lực, NCKH cho vùng; đề nghị Trường ĐHCT cần chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ, gắn liền với nhiệm vụ phát triển của vùng, thúc đẩy sản xuất theo quy mô lớn và hiện đại, gắn liền sản xuất lương thực với công nghiệp chế biến. Đồng thời, yêu cầu trường ĐHCT nỗ lực phát triển khu Hòa An trở thành trung tâm văn hóa và khoa học công nghệ của vùng. Qua đó, kêu gọi các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện các mục tiêu phát triển cũng như chủ trương của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Bài, ảnh: B.KIÊN

 

Chia sẻ bài viết