18/01/2020 - 17:14

Xây dựng đội ngũ công nhân mạnh về lượng và chất 

Nhiều năm qua, cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam, đội ngũ công nhân TP Cần Thơ đã không ngừng tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) khi mà trình độ tay nghề, kỹ năng, tác phong làm việc công nghiệp còn hạn chế. Cùng với sự chăm lo của các cấp, các ngành, đội ngũ công nhân cần phải “làm mới” mình, tăng cường học hỏi để thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại và cơ chế thị trường. 

Tích cực rèn luyện kỹ năng, tay nghề

Chị Lê Thị Kim Ngợi, nhân viên pha chế tá dược dính với sáng kiến thay đổi van tự động thành van vi sinh, ứng dụng cho máy trộn cao tốc. Ảnh: CTV

Để đáp ứng nhu cầu đổi mới, hội nhập, đội ngũ CNLĐ TP Cần Thơ đã không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề, từng bước làm chủ trang thiết bị hiện đại… Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của lực lượng CNLĐ trong xu thế hội nhập. Tiêu biểu như trường hợp của anh Đặng Quang Vinh, công nhân bộ phận sản xuất và nghiên cứu phát triển sản phẩm, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Pataya Việt Nam. Hơn 10 năm qua, anh Vinh đã làm việc và cống hiến cho công ty nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật; trong đó, nổi bật nhất là sáng kiến giảm khoảng thời gian mở hơi thừa trong quá trình Venting của Retort. Anh Vinh lý giải: “Trong giai đoạn tiệt trùng sản phẩm đóng hộp, có giai đoạn đuổi không khí lạnh trước khi tiệt trùng. Hiện tại, người vận hành Retort thường mở hơi sớm hơn so với thời gian bắt đầu tính giờ Venting, gây nên sự lãng phí hơi rất lớn. Ý tưởng này đã góp phần tiết kiệm thời gian thanh trùng, tiết kiệm dầu FO để đốt lò hơi, giúp tiết kiệm trên 260 triệu đồng/năm”. Không riêng sáng kiến giảm khoảng thời gian mở hơi thừa trong quá trình Venting của Retort, anh Vinh còn mạnh dạn đề xuất với Ban Giám đốc Công ty nhiều cải tiến khác giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Tại Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG Pharma), Ban Chấp hành Công đoàn luôn xác định phương châm “Lấy tri thức sáng tạo làm nền tảng cho sự phát triển”. Những ngày gần Tết, ghé chi nhánh Nhà máy Dược phẩm DHG tại Hậu Giang, chúng tôi chứng kiến khí thế làm việc khẩn trương của đội ngũ CNLĐ. Theo chị Phạm Ngọc Đẹp, Chủ tịch công đoàn tại chi nhánh này, những năm qua, Công đoàn luôn chú trọng phát động phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo và được CNLĐ hưởng ứng tích cực. Thống kê từ năm 2017 đến nay, CNLĐ tại nhà máy đã đăng ký thực hiện 782 đề tài, sáng kiến cải tiến; trong đó có 426 ý tưởng khả thi, góp phần tăng năng suất, tiết kiệm chi phí. Hơn 18 năm gắn bó với nhà máy, chị Lê Thị Kim Ngợi, nhân viên pha chế tá dược dính đã có nhiều sáng kiến thiết thực. Chị Ngợi chia sẻ: “Sáng kiến mới nhất là thay đổi van tự động thành van vi sinh, ứng dụng cho máy trộn cao tốc được đưa vào sử dụng đầu 2019. Trước đây, khi không có van khóa lại, khi trộn tá dược sẽ dễ phát tán hơi. Từ đó, tôi mới nghĩ ra việc thiết kế van vi sinh bằng inox, vừa không phát tán hơi lại dễ tháo lắp, không bị bám bột thuốc”. Ngoài ra, chị Ngợi còn thực hiện nhiều sáng kiến thiết thực khác, như: thay đổi dụng cụ bấm nâng tời vệ sinh máy tầng sôi có dây bằng remot điều khiển từ xa không dây; hàn bao che lai phần dưới của máy xát hạt; cải tiến trục quay của máy khuấy dung dịch; đồng hồ cài đặt thời gian chạy của máy cao tốc lớn…

Cũng là CNLĐ tiêu biểu tại nhà máy, anh Hoàng Xuân Chung, quản lý tổ in đưa ra nhiều sáng kiến hiệu quả. Sáng kiến mới nhất chính là chuẩn hóa kích thước in để tăng năng suất cho các công đoạn sau. Anh Chung chia sẻ: “Việc tính toán thay đổi kích thước để phù hợp với khổ in tối ưu nhất sẽ góp phần giảm hao hụt giấy. Vừa qua, khi sáng kiến được ứng dụng cho hộp Hapacol Extra đã giúp tiết kiệm 10,5% nguyên liệu giấy, mực in, tráng phủ; ứng dụng trên hộp Fubenzon tiết kiệm được 13,2 % nguyên liệu”. Những năm qua, anh Chung cũng đã nghiên cứu, đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực khác, như: sử dụng bản kẽm 2 lớp khi in mực UV giúp hình ảnh in ra đẹp, sắc nét hơn, tiết kiệm điện năng tiêu thụ, thời gian và công lao động. Hay như sáng kiến công cụ so sánh màu in giúp tăng cường được nhiều vị trí kiểm soát, giới hạn được chi tiết in trong khoảng không gian cố định nhằm thể hiện rõ hơn vùng màu, gia tăng hiệu quả và độ chính xác khi cần kiểm tra so sánh tờ in với mẫu tiêu chuẩn.

Nỗ lực chung của các cấp, các ngành

Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ tuyên dương công nhân có sáng kiến, cải tiến hiệu quả. Ảnh: CTV 

TP Cần Thơ hiện có 99.201 công nhân, viên chức lao động. Phần lớn CNLĐ còn nhiều hạn chế về trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp. Để CNLĐ hội nhập với “sân chơi” quốc tế, các cấp, các ngành và lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh công tác chăm lo, đào tạo lực lượng CNLĐ chất lượng cao. Tại nhiều đơn vị doanh nghiệp, vấn đề này cũng được chú trọng. Nổi bật như Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang. Theo lãnh đạo Công đoàn Công ty, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công đoàn Công ty luôn chú trọng phát động phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; đồng thời tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Mỗi năm, người lao động tại Công ty đã đề xuất trên 100 ý tưởng, đề tài nghiên cứu sản phẩm mới, sáng kiến cải tiến, làm lợi cho công ty hàng chục tỉ đồng.
Để người lao động phát huy khả năng, sức sáng tạo, các cấp Công đoàn thành phố phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua: lao động giỏi, lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Chỉ tính riêng trong năm 2019, qua phát động thi đua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động toàn thành phố đã đăng ký thực hiện 5.369/2.500 đề tài (đạt 215% kế hoạch), 128 công trình sản phẩm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho CNLĐ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, tay nghề, bậc thợ cho CNLĐ; tham gia kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp,… luôn được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, cung cấp cho người lao động kiến thức, kỹ năng, tay nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động. Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên mở các phiên giao dịch việc làm kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho người lao động kiến thức về vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; các kiến thức về pháp luật lao động. Việc tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động được quan tâm. Riêng trong năm 2019, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 76.311 lao động, đạt 152,6% kế hoạch năm 2019, tăng 26,6% so với năm 2018; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 58%.

Để CNLĐ đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, mỗi CNLĐ cần phát huy nội lực, tích cực, chủ động học tập, nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp để thích ứng với “sân chơi” lớn. Cùng với đó, sự quan tâm của các doanh nghiệp, các cấp, các ngành chính là động lực giúp đội ngũ người lao động thi đua học tập; góp phần nâng cao vị thế của giai cấp công nhân trong tiến trình hội nhập, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. 

Hồng Vân

 

Chia sẻ bài viết