16/08/2023 - 09:27

Xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa ở ÐBSCL 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo gắn với việc giảm khí thải nhà kính đang là yêu cầu cấp thiết đối với vùng ÐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho nông dân. Góp phần thực hiện mục tiêu trên, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) đang phối hợp với Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương vùng ÐBSCL thực hiện khảo sát, thu thập thông tin nhằm xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa ở ÐBSCL. Bộ dữ liệu này cũng được sử dụng phục vụ cho Ðề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL".

Thu hoạch lúa vụ hè thu 2023 ở huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ.

Vùng ÐBSCL vựa "lúa gạo" quan trọng của cả nước, nơi đang cung cấp 90% lượng gạo phục vụ xuất khẩu. Sản xuất lúa gạo tại vùng trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn, giúp đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và góp phần cung cấp một lượng lớn gạo phục vụ xuất khẩu tạo nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia. Tuy nhiên, thu nhập của đa phần nông dân còn thấp và sản xuất lúa gạo trong vùng cũng đang ngày càng đối mặt với nhiều điều kiện sản xuất bất lợi do biến đổi khí hậu, giá vật tư đầu vào tăng và người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Do vậy, việc xây dựng Bộ dữ liệu cho sản xuất lúa của vùng là rất cần thiết nhằm cập nhật, cung cấp các thông tin cần thiết cho nông dân và các cơ quan quản lý để có những chỉ đạo, điều hành và điều chỉnh phù hợp trong sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển. Ðặc biệt, Bộ dữ điệu này được sử dụng để tính toán, so sánh hiệu quả sản xuất và giá trị lúa gạo cho những diện tích tham gia trong Ðề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL" đang được Bộ NN&PTNT thúc đẩy thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia khoa học cao cấp, Trưởng ban cơ giới hóa và sau thu hoạch của IRRI, việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cho sản xuất lúa cũng hướng tới số hóa sản xuất lúa ở ÐBSCL. Khi cơ sở dữ liệu được số hóa thì các Sở NN&PTNT và các đơn vị dễ dàng tra cứu, xem thông tin về hiện trạng sản xuất để thực hiện tốt việc quản lý, cũng như tối ưu hệ thống sản xuất ứng phó BÐKH, tăng hiệu quả, giảm phát thải. Ðây cũng là các thông tin và dữ liệu cần thiết để xây dựng hệ thống khuyến nông điện tử, với khả năng tích hợp tốt các dữ liệu và từ dữ liệu kịp thời đề xuất các giải pháp giúp nông dân tại từng địa phương thực hiện tốt việc

sản xuất.

Ðể xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa tại ÐBSCL, IRRI đang phối hợp với Cục Trồng trọt và các địa phương vùng ÐBSCL thực hiện Chương trình khảo sát 10.000 nông dân trồng lúa tại 12/13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL (ngoại trừ tỉnh Bến Tre do có ít đất canh tác lúa). Khảo sát nhằm điều tra về thực trạng phương thức canh tác lúa tại ÐBSCL phục vụ việc đánh giá mức độ phát thải, chi phí sản xuất và lợi nhuận, mức độ cơ giới hóa, cách quản lý rơm rạ và sâu bệnh, nhận thức về BÐKH và phát thải khí nhà kính... Qua đó, thu thập các thông tin và số liệu cần thiết để xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa tại ÐBSCL. Theo bà Ðinh Thị Kim Dung, Chánh Văn Phòng IRRI tại Việt Nam, IRRI và Cục Trồng trọt đã có nhiều năm hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững tại ÐBSCL, đặc biệt là đa dạng hóa cơ cấu mùa vụ, cũng như thúc đẩy áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, thích ứng BÐKH. Nhằm hỗ trợ việc xây dựng quy trình, đánh giá thực trạng sản xuất tại các địa phương tham gia Ðề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL" đến năm 2030, IRRI và Cục Trồng trọt phối hợp thực hiện khảo sát về thực trạng phương thức canh tác lúa tại 12 tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Hoạt động khảo sát được tiến hành từ tháng 8-2023 và dự kiến trong quý I-2024 hoàn thành việc thu thập các thông tin, dữ liệu cần thiết.

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, IRRI đã phối hợp với Cục Trồng trọt tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa ở ÐBSCL" nhằm triển khai thực hiện Chương trình khảo sát 10.000 nông dân trồng lúa tại vùng ÐBSCL. Tại hội thảo, bên cạnh cung cấp các thông tin của chương trình khảo sát và dự kiến kế hoạch thực hiện khảo sát tại các địa phương, ban tổ chức đã dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận nhằm thống nhất kế hoạch, cũng như các nội dung khảo sát và các thông tin, dữ liệu cần thu thập. Cụ thể như: thống nhất kế hoạch khảo sát tại từng tỉnh, thành và thống nhất về các xã, ấp được chọn để khảo sát, số lượng phiếu mỗi địa phương và thời gian tiến hành khảo sát tại từng địa phương... Cuộc khảo sát dự kiến được triển khai từ tháng 8-2023 đến quý I-2024 và chia làm nhiều đợt thực hiện gắn với thực tế sản xuất lúa tại các tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Qua đó, nhằm đảm bảo thu thập đầy đủ các thông tin, dữ liệu cần thiết về tình hình sản xuất và hiệu quả sản xuất của  tất cả các vụ lúa trong năm 2023 (gồm: đông xuân, hè thu, thu đông) tại các địa phương.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, sau hội thảo tham vấn, Cục tiến hành ban hành công văn về kế hoạch triển khai chương trình khảo sát và xây dựng Bộ dữ liệu cho sản xuất lúa ở ÐBSCL gửi đến các tỉnh, thành và đơn vị có liên quan. Các nội dung đã trao đổi và thống nhất tại hội thảo cũng được Cục Trồng trọt gửi đến các Sở NN&PTNT để kịp thời có tham mưu, đề xuất UBND các tỉnh, thành về chủ trương thực hiện.

Chia sẻ bài viết