27/06/2019 - 08:40

Xâm hại tình dục trẻ em: Phần nổi của tảng băng trôi 

Theo báo cáo của Bộ Công an, gần đây một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật có dấu hiệu phức tạp, trong đó có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Tại Việt Nam, Luật Trẻ em 2016 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần rất lớn trong việc thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em.

Luật Trẻ em của Việt Nam dành hẳn một chương riêng (Chương IV) về bảo vệ trẻ em, quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em; cấp độ bảo vệ trẻ em và trách nhiệm thực hiện; việc thành lập và hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015đã dành 5 điều luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có quy định về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Mặc dù vậy, ở Việt Nam tình trạng xâm hại tình dục trẻ em chưa giảm nhiều về tính chất cũng như số lượng.

Số liệu chỉ là phần nổi của tảng băng trôi

Theo báo cáo của Bộ Công an, gần đây một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật có dấu hiệu phức tạp, trong đó có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại trẻ đau lòng, nhức nhối xảy ra. Tại Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn (Mường Khương, Lào Cai) có đến 23 em bị Đỗ Văn Nam, bảo vệ nhà trường dâm ô, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Mới đây, tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, cháu Nguyễn Gia Đ., đứa con gái mới hơn 6 tuổi kể lại vụ việc bị xâm hại tình dục khi bố mẹ vắng nhà bởi người hàng xóm tên Tuấn. Chị gái của Đ., 8 tuổi cũng đã chứng kiến một phần hành vi xâm hại tình dục của Tuấn với em mình nhưng vì lời đe dọa của người hàng xóm và cả nỗi sợ bị bố mẹ đánh đòn nên phải 3 ngày sau, chuyện Đ. bị xâm hại mới được hé lộ.

Sự việc được trình báo với cơ quan chức năng địa phương. Quá trình điều tra được tiến hành, thêm một sự thật đau lòng khác bị phát giác khi đây không phải lần đầu tiên bé Đ. bị người hàng xóm này xâm hại.

Điều đáng quan tâm là đa số các vụ xâm phạm tình dục đối với trẻ em lại do những người thân thích với nạn nhân, báo động về sự suy đồi đạo đức như: bố dượng với con riêng của vợ; bác, chú, thậm chí có cả ông, bố đẻ và anh em ruột thịt.

Điển hình là vụ cha đẻ và ông nội hiếp dâm con và cháu nhiều năm liền khi cháu mới 10 tuổi mà mẹ của cháu biết nhưng không dám tố cáo ở Vĩnh Long. Gần đây nhất, trong những tháng đầu năm 2019 đã có hàng loạt vụ việc bố hiếp dâm con gái ruột tại Lào Cai, Bắc Giang, Gia Lai, Kon Tum… bị khởi tố.

Có lẽ, chưa bao giờ nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây được “vạch trần” đến vậy. Ngày càng nhiều vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có tới 1.293 em bị xâm hại tình dục. Con số này cho thấy các vụ việc xâm hại trẻ em bị khởi tố chủ yếu là xâm hại tình dục. Chỉ riêng quý 1 năm 2019 đã phát hiện 253 vụ xâm hại tình dục trẻ em, khởi tố 234 vụ, 241 bị can, đang điều tra, xác minh 19 vụ, 19 đối tượng.

Đặc biệt, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm hơn 80% tội phạm xâm hại trẻ em và những con số thống kê chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi,” còn nhiều nguy cơ, vụ việc tiềm ẩn.

Diễn biến ngày càng phức tạp

Mặc dù tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục trong các trường hợp bị phát hiện, xử lý năm 2018 giảm 3,8% so với năm 2017, tính chất vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nếu như trước đây, tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em chủ yếu xảy ra ở vùng sâu vùng xa, những khu vực dân cư thưa thớt, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp, thì hiện nay, ngày càng nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố lớn. Nạn nhân chủ yếu là các bé gái từ 9-16 tuổi, cá biệt có trường hợp nạn nhân mới chỉ 3, 4 tuổi. Gần đây còn có cả tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em nam.

Điều đáng nói, tại các môi trường tưởng chừng như an toàn nhất với trẻ như gia đình, nhà trường, những hành vi đồi bại vẫn ngang nhiên hiện diện.

Hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chính tại học đường trong thời gian qua đã khiến dư luận căm phẫn như vụ Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đinh Bằng My (Phú Thọ) bị bắt vì xâm hại tình dục các nam học sinh; vụ thầy giáo ở Bắc Giang dâm ô 13 nữ sinh; thầy giáo ở Lào Cai bị tố làm nữ sinh lớp 8 mang thai; thầy giáo ở Bình Thuận dâm ô với 8 học sinh tiểu học…

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có nguy cơ trở thành một vấn nạn xã hội khi thời gian gần đây số vụ việc bị phát hiện liên tục gia tăng, với hành vi gây án ngày càng táo tợn, nghiêm trọng.

Gần nhất, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một bé gái 9 tuổi đang chơi trong công viên bị tên Lương Tuấn B. (28 tuổi) dụ dỗ rồi hiếp dâm ngay tại công viên. Cũng ngay trong ngày hôm đấy, tên này còn thực hiện hành vi dâm ô với một bé gái khác.

Ông Nguyễn Văn Bốn, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam nói về những vướng mắc về định nghĩa thế nào là xâm hại tình dục trẻ em trong quy định pháp luật.

Đáng báo động hơn cả, đối tượng gây án còn có cả những người có học thức, trình độ, vị trí, thậm chí là người thân quen, gây phẫn nộ trong dư luận.

Hồi đầu tháng 4, cựu Phó Viện trưởng Viện Kiển sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có hành vi dâm ô bé gái ngay trong thang máy một chung cư tại quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

Một vụ việc khác cũng gây rúng động dư luận, cháu Nguyễn Thị L. (sinh năm 2005) bị đối tượng Nguyễn Đức Q. (bố đẻ cháu L., một quân nhân quân đội) thực hiện hành vi hiếp dâm từ lúc cháu học lớp 4 đến lớp 8-thời điểm giáo viên chủ nhiệm phát hiện vụ việc.

Theo tổng hợp từ các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 năm 2017 và 2018, hơn 86% số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục có thủ phạm chính là những người thân quen.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong số các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được tổng đài 111 can thiệp hỗ trợ, thủ phạm là người quen, hàng xóm chiếm 59,06%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03%; các đối tượng khác là 13,79%. Đặc biệt thủ phạm là người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) chiếm tới 21,12%.

Thừa nhận công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những thách thức, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Đặc biệt, tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.

Chính vì tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng nên vấn đề xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp trở thành chủ đề “nóng” trên nghị trường Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều phải giải trình trước Quốc hội về tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, nhưng việc xử lý các vụ việc lại còn lúng túng, chưa kịp thời, gây bức xúc trong dư luận.

Theo Hồng Kiều-Thùy Giang (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết