19/10/2010 - 21:15

Xác định sản phẩm chủ lực để "kết nối" hàng Việt và Tam nông

Sự tương tác giữa Hàng Việt Nam chất lượng cao với chương trình Tam nông là một bước tiến mới trong nỗ lực đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa, thúc đẩy thị trường nông thôn phát triển và tiêu thụ sản phẩm của nông dân... Đây là chương trình do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thực hiện.

TIẾP CẬN VÀ CHIA SẺ

Doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ quảng bá, bán hàng mà còn chia sẻ cùng khách hàng. 

Hưởng ứng chủ trương của Bộ Chính trị về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với các ngành, doanh nghiệp (DN) và các địa phương đã xây dựng được con đường mới cho hàng Việt. Nhiều DN tham gia các phiên chợ hàng Việt cho rằng, bán hàng tại phiên chợ là cách quảng bá tốt nhất để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng nông thôn. Tại đây, DN có dịp để nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để sản xuất và quảng bá những mặt hàng phù hợp với túi tiền, nhu cầu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với hàng chính hãng và hưởng nhiều chính sách khuyến mãi. Sự tương tác giữa hàng Việt Nam chất lượng cao với chương trình Tam nông đã được hình thành trong quá trình đưa hàng Việt tiếp cận với thị trường nông thôn. Mặc dù đến bây giờ điều đó mới được “định nghĩa” và phát triển cụ thể để đưa vào quỹ đạo chung. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, cho biết: “Trong chương trình tương tác giữa hàng Việt và Tam nông, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến DN cực nhỏ thay vì nhiều chủ trương thời gian qua chỉ quan tâm đến DN vừa và nhỏ. DN cực nhỏ ở đây được nhắm đến đối tượng là nông dân với những sản phẩm từ nông sản và sản phẩm làng nghề”.

Những thành công ở 50 phiên chợ diễn ra tại một số tỉnh, thành cả nước trong suốt 18 tháng qua là một kết quả lớn đối với DN. Đó không chỉ là doanh số bán ra mà chính là kết quả của sự tiếp cận thị trường, niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt. DN đã có sự chia sẻ và cọ sát đối với người tiêu dùng qua các chương trình khuyến mãi trực tiếp tại phiên chợ cho từng khách hàng, khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân địa phương, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học... Đặc biệt là chương trình tập huấn bán hàng cho đại lý, tiểu thương bán lẻ ở vùng nông thôn.

Thông qua các chương trình do BSA tổ chức, hàng loạt sản phẩm đặc sản của các vùng miền do chính nông dân làm ra đã có mặt tại nhiều cửa hàng tiện ích và chuỗi các siêu thị lớn, siêu thị Sài Gòn Tiếp Thị... “Sản phẩm của nhà quê vừa xuất hiện tại thị trường thành phố lớn đã ăn khách. Đây là những mặt hàng đặc sản được nhiều người biết tới, nhưng do chưa tiếp cận được với thị trường nên thời gian qua chỉ quẩn quanh ở nơi nó sinh ra”- bà Tư Cúc, chủ một DN nhỏ ở tỉnh Trà Vinh, vui mừng cho biết như thế khi sản phẩm mứt trái bần, bột nấu lẩu từ trái bần dân dã ở vùng duyên hải Trà Vinh được góp mặt trên thị trường thành thị. Có thể nói, đây là cơ hội để sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương vượt ra khỏi lũy tre làng để “đọ sức” cùng các sản phẩm khác trên thị trường. Để có được sức bền và tính cạnh tranh cao, DN cực nhỏ ở nông thôn cần được sự trợ lực rất lớn. Tiến sĩ Nguyễn Phúc Son, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL-Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng thực hiện chương trình tương tác giữa hàng Việt với Tam nông, thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn kỹ năng sản xuất theo hướng thị trường cho nhà nông để nâng cao thu nhập, giúp họ trở thành nhà cung cấp chuyên nghiệp là công việc trọng tâm nhằm phát triển nông thôn. Đồng thời, nâng cao sức mua của người dân nông thôn bằng cách giúp họ bán được hàng hóa do họ làm ra một cách bài bản, dạy nghề cho nông dân để phát huy những mặt hàng đặc sản vốn có ở địa phương và phát triển sản phẩm mới trên nền truyền thống đó...

CẦN SỰ NHẬP CUỘC THỰC SỰ

Theo giới chuyên gia, có thể xem việc thực hiện mối tương tác giữa hàng Việt Nam chất lượng cao với chương trình Tam nông là một “hành động chính sách”, đưa ra một giải pháp thúc đẩy phát triển Tam nông theo chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ. Mặt khác, cần có những điều tra xã hội học và thị trường để thực hiện sự tương tác này gắn với chương trình 5 đề án phát triển Tam nông. Tại ĐBSCL, trục liên kết chính là trục TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ và Cần Thơ với vùng kinh tế trọng điểm để phát triển thị trường tiêu thụ, cân đối quyền lợi các tác nhân theo chuỗi giá trị và mở rộng các dịch vụ, phát triển logictics hướng về cộng đồng nông thôn khu vực ĐBSCL.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, chia sẻ: “Các hoạt động tương tác giữa hàng Việt và Tam nông được thực hiện trên ba lĩnh vực phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân và phát triển nông thôn. BSA sẽ thực hiện các nghiên cứu thị trường và kinh tế- xã hội để xây dựng cơ sở dữ liệu cung cấp cho các chương trình, dự án liên quan đến ngành hàng nông nghiệp. Trong đó, chủ lực là thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu và các sản phẩm làng nghề. Vừa qua, BSA đã xây dựng xong bản đồ phân phối hàng Việt tại Trà Vinh và sẽ thực hiện tại các tỉnh khác để rút ngắn và giảm thiểu chi phí điều tra thị trường cho DN, làm cơ sở để nhà sản xuất thiết kế lại bản đồ phân phối, giúp người tiêu dùng tiếp cận với hàng Việt một cách nhanh chóng và dễ dàng”. Trong thời gian tới, BSA tiếp tục các khóa tập huấn bán hàng và kiến thức thị trường cho người kinh doanh ở khu vực nông thôn, đào tạo nghề và kỹ năng cải thiện sinh kế cho nông dân.

Hiện nay, giá trị gia tăng của nhiều mặt hàng nông sản chưa cao dù rất tiềm năng; hoạt động đào tạo nghề ở địa phương cũng chưa thực sự hiệu quả. Vì thế, vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương là rất lớn, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công hành động chính sách này. Điều đó, đòi hỏi vai trò của các bộ, ngành và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trong việc đánh giá lại và định hướng cho thực hiện chương trình này. Các chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành Trung ương cần định hướng cụ thể cho các địa phương xác định và phát triển những ngành hàng có thể tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng. Đánh giá và rà soát lại chất lượng, hình thức đào tạo nghề của các địa phương trong thời gian qua để có cơ sở chỉ đạo hiệu quả công tác đào tạo nghề cho nông dân. Đồng thời, xác định hướng xây dựng mạng lưới liên kết các dự án gắn với các chương trình vĩ mô của các bộ, ngành; và tiếp tục chỉ đạo các địa phương phối hợp tăng cường cuộc vận động hữu hiệu để người tiêu dùng nông thôn luôn sẵn lòng tiêu dùng hàng Việt. Xây dựng hạ tầng phục vụ mạng lưới phân phối, chuỗi bán hàng Việt ở vùng nông thôn... Đó cũng là những điều DN đang cần để đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ hàng Việt ở thị trường nội địa và chia sẻ cùng người dân nông thôn...

Bài, ảnh: MIÊN HẠ

Chia sẻ bài viết