15/06/2013 - 19:42

TP Cần Thơ

Xác định dự án đón vốn ODA

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ có ý nghĩa rất quan trọng để giải quyết những vấn đề bức xúc về cơ sở hạ tầng mà ngân sách Trung ương cũng như địa phương chưa thể đáp ứng. Tại TP Cần Thơ, nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ tiến trình công nghiệp hóa của thành phố có vốn đầu tư lớn, trong khi ngân sách Trung ương phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu, ngân sách địa phương nhiều hạn chế, thì thành phố rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương trong việc tạo điều kiện tiếp cận vốn ODA.

Xác định lĩnh vực ưu tiên

 Việc đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án ODA sẽ góp phần tạo dựng niềm tin với nhà tài trợ. Trong ảnh: Thi công cải tạo rạch Tham Tướng - rạch Bần nhánh 1 và nhánh 2 thuộc Dự án NCĐT TP Cần Thơ.

Ngày 6-6-2013, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP (ngày 23-4-2013) của Chính phủ "Về Quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ" có hiệu lực. Nghị định 38 có một số điểm mới như: mở rộng phạm vi điều chỉnh ngoài nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, bổ sung thêm nguồn vốn vay ưu đãi (vốn vay có điều kiện ưu đãi cao hơn các khoản vay thương mại nhưng thấp hơn ODA); mở rộng đối tượng thụ hưởng theo hướng cho phép khu vực tư nhân tiếp cận với vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Nghị định cũng quy định mở rộng và cụ thể hơn với 9 lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA cùng các quy trình vận động, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi. Ngay sau khi Nghị định 38 chính thức có hiệu lực, ngày 7-6-2013, UBND TP Cần Thơ đã ký ban hành Quyết định số 1810/QĐ-UBND "Về việc phê duyệt Quy hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chính thức giai đoạn 2013-2015, định hướng đến 2020 trên địa bàn TP Cần Thơ". Kèm theo Quyết định là danh mục 22 chương trình, dự án ưu tiên thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi với tổng vốn đầu tư gần 1,095 tỉ USD.

Theo đó, TP Cần Thơ xác định ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi cho 3 lĩnh vực chủ yếu gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của nội đô, các thị trấn, thị tứ và khu dân cư tập trung trên địa bàn thành phố; phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Với mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020, Cần Thơ phải có cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật theo hướng hiện đại, có cơ sở hạ tầng xã hội phát triển, môi trường sinh thái được đảm bảo. Vì vậy, trong thời kỳ sau năm 2015, Cần Thơ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi để tiếp tục hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ hơn cả về quy mô cũng như chất lượng của các chương trình và dự án trong ba lĩnh vực ưu tiên đã xác định. Ngoài ra, sau năm 2015 nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ sẽ tập trung phục vụ cho thực hiện các khâu đột phá của thành phố đến năm 2020.

Theo bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, các lĩnh vực được ưu tiên phân bổ vốn ODA phải mang tính tập trung và có khả năng tạo ra tác động lan tỏa cao đối với sự phát triển của thành phố. Mục tiêu đến năm 2020, thành phố sẽ tập trung hoàn chỉnh và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, bao gồm hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị mới… Đào tạo nguồn nhân lực cấp vùng, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo lao động có chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng được chú trọng. Ngoài ra, thành phố đang đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mạnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài… Đây là những lĩnh vực được đề xuất vay vốn ODA để thực hiện.

Nâng cao năng lực quản lý dự án

Thời gian qua, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có những công trình hạ tầng giao thông, đô thị hoàn thành và đưa vào sử dụng từ nguồn vốn ODA. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn này, công tác phối hợp của các sở ngành thành phố, các Ban quản lý dự án và nhà tài trợ rất chặt chẽ, vừa đảm bảo tiến độ dự án vừa tạo lòng tin với nhà tài trợ. Trong số các dự án từ nguồn vốn vay ODA của TP Cần Thơ có thể kể đến như: Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ (Dự án 1) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đang bước vào giai đoạn cuối. Nối tiếp Dự án này, tháng 8-2012, Cần Thơ được WB tiếp tục tài trợ thực hiện Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL- Tiểu dự án TP Cần Thơ cùng với 5 thành phố khác ở ĐBSCL (giai đoạn 2012-2017). Theo các sở, ngành thành phố và địa phương thụ hưởng dự án, các dự án ODA thuộc lĩnh vực nâng cấp đô thị được WB tài trợ có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của đô thị Cần Thơ, góp phần nâng cấp hạ tầng đô thị và cải thiện môi trường sống của người dân trong các khu dân cư thu nhập thấp. Quá trình thực hiện dự án luôn đòi hỏi các đơn vị phải đảm bảo tiến độ về ký kết các gói thầu, bàn giao mặt bằng thi công và giải ngân vốn hỗ trợ, vốn đối ứng theo yêu cầu đặt ra của nhà tài trợ. Vì vậy, việc bổ sung nguồn nhân lực cũng như nâng cao năng lực quản lý điều hành dự án là rất quan trọng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, việc hoàn thiện công tác tổ chức quản lý sẽ tạo điều kiện để thành phố khai thác tốt các dự án ODA tài trợ cho thành phố. Thành phố đang trong quá trình hoàn thiện về mặt thể chế, chính sách như quy trình và thủ tục vận động, quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi để áp dụng thống nhất trong phạm vi thành phố. Bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: "Thời gian tới thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo Thành phố về ODA (gọi tắt là Ban chỉ đạo ODA) nhằm tăng cường công tác theo dõi, giám sát và đánh giá quá trình triển khai các dự án ODA trên địa bàn. Thành phố sẽ tăng cường quan hệ đối tác và nâng cao hiệu quả viện trợ thông qua việc cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án, thúc đẩy giải ngân. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường vận động ODA trên cơ sở xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa thành phố với các nhà tài trợ, các bộ, ngành Trung ương để phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố".

Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của các dự án vay vốn ODA đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án ODA, xem đây là sự cam kết và quyết tâm của thành phố đối với các nhà tài trợ. Để nâng cao năng lực quản lý các dự án ODA, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy của các ban quản lý dự án, đảm bảo bố trí đủ nguồn nhân lực để tham gia thực hiện và giám sát dự án theo các yêu cầu mà nhà tài trợ đưa ra.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết