13/07/2009 - 08:57

Whinsec - Lò đào tạo đáng sợ của Mỹ

 Trụ sở WHINSEC.

Trong cuộc đảo chính quân sự tại Honduras vừa qua, người cầm đầu là Tổng tư lệnh quân đội Romea Orlanda Vásquez Velásquez và Tư lệnh không quân Luis Javier Prince Suazo. Điểm đáng chú ý là cả hai nhân vật này cùng được đào tạo tại Viện Hợp tác an ninh Tây bán cầu (WHINSEC), mà trước đây gọi là Trường châu Mỹ (SOA) đóng tại thành phố Fort Benning, bang Georgia của Mỹ. Lịch sử cho thấy một số học viên xuất sắc nhất của lò đào tạo an ninh này đã và đang bị cáo buộc đứng đằng sau các vụ đảo chính, thậm chí tham gia các băng nhóm tội phạm ma túy và khủng bố nguy hiểm khắp Mỹ La-tinh. Do vậy, SOA còn có “hỗn danh” là “Trường của những kẻ ám sát”.

Tiền thân của SOA là Trung tâm Đào tạo Mỹ La-tinh do Lục quân Mỹ thành lập năm 1946 tại một căn cứ quân sự ở Panama vào những ngày đầu Chiến tranh lạnh. Năm 1949, nó được mở rộng và đổi tên thành Trung tâm Đào tạo Caribbe. Đến năm 1963, nó lại được nâng cấp thành Trường châu Mỹ và chuyển về Fort Benning năm 1984. Trường này tự giới thiệu mình là nơi đào tạo các sĩ quan quân đội và cảnh sát có trình độ và chất lượng chuyên môn cao, biết tôn trọng nhân quyền, dân chủ (nhờ được học 8 tiết về các giá trị nhân quyền, dân chủ trong khóa học kéo dài 1 năm!), nhưng trên thực tế đã biến nhiều người học thành những kẻ đáng sợ. Trong số này có những người lên nắm quyền lãnh đạo quốc gia bằng chính sách quân sự độc tài. Một số khác sau khi rời khỏi ngành an ninh đã lao vào con đường phạm tội và nhanh chóng trở thành những kẻ cầm đầu các băng đảng khét tiếng. Tên khủng bố nổi danh Luis Posada Carriles (gây ra vụ đánh bom chiếc máy bay của Cuba làm 73 người chết hồi năm 1976) cũng từng được “trui rèn” tại đây. Vì thế, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Mỹ đóng cửa SOA. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc từ chối giải thể nó vì cho rằng sứ mạng quan trọng của trường là tạo ra những chuyên gia chống tội phạm, ma túy và khủng bố cho khu vực, và chỉ sửa tên thành Viện Hợp tác an ninh Tây bán cầu vào năm 2000.

Bị ám ảnh bởi SOA, nhiều nước Mỹ La-tinh những năm gần đây đã quyết định tẩy chay WHINSEC. Năm 2004, Venezuela chấm dứt việc gởi quân cho WHINSEC đào tạo. Argentina ra quyết định tương tự năm 2006, tiếp đến là Costa Rica, Bolivia. Uruguay ban đầu có ý định đưa người đến WHINSEC học tập nhưng cuối cùng cũng hủy bỏ kế hoạch. Dẫu vậy, trong hơn 61.000 binh sĩ và cảnh sát khắp Tây bán cầu được SOA đào tạo từ năm 1946-2001 vẫn còn không ít người đang tại vị, và những người này trở thành tâm điểm chú ý và hoài nghi không chỉ ở các nước Mỹ La-tinh.

PHÚC GIA AN (Theo RHC, Wikipedia, LP)

Chia sẻ bài viết