15/12/2014 - 20:26

Wes Anderson – Đạo diễn của phim kinh phí thấp

Việc đạo diễn Wes Anderson có tên trong danh sách đề cử hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất” Quả cầu vàng 2015 dường như không nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Wes Anderson là vị đạo diễn khá đặc biệt của Hollywood với phong cách làm phim độc đáo và chỉ chuyên tâm với phim kinh phí thấp.

 Đạo diễn Wes Anderson.

“The Grand Budapest Hotel” - tác phẩm mới nhất của Wes Anderson vừa giúp ông có tên trong danh sách đề cử Quả cầu vàng 2015, cũng được làm với kinh phí khá khiêm tốn 31 triệu USD, nhưng thành công vang dội. “The Grand Budapest Hotel” có bối cảnh vào năm 1932 tại châu Âu, xoay quanh các nhân vật: ngài Gustav H. (Ralph Fiennes)- chủ khách sạn cao cấp Budapest, anh chàng phục vụ Zero Moustafa và nữ đầu bếp tài năng Agatha. Họ vô tình bị cuốn vào cuộc tranh chấp bức tranh quý “Boy With Apple” của một quý bà thuê phòng. Gustav H. bị bắt oan khi quý bà chết, Zero Moustafa và Agatha đã tìm cách cứu ông. Câu chuyện có vẻ bình thường qua bàn tay của Wes Anderson bỗng trở thành “tuyệt phẩm”. Đúng với phong cách xưa nay của Wes Anderson, “The Grand Budapest Hotel” gây hiệu ứng về mặt thị giác, kỹ thuật. Nhưng lần này, Wes Anderson gây bất ngờ với câu chuyện được khai thác nhiều góc độ, chuyển biến liên tục về thể loại: từ tình cảm, tâm lý đến hài hước. Điểm đặc biệt trong tác phẩm của Wes Anderson là bất kỳ nhân vật nào cũng có thể tạo tiếng cười, chỉ đơn giản qua hành động hay lời thoại. Nhân vật quý ngài Gustav H. trong “The Grand Budapest Hotel” chính là ví dụ rõ nhất. Bề ngoài quý ngài Gustav H. có vẻ khó gần, nguyên tắc và thực dụng khi luôn đặt mục tiêu quyến rũ các quý bà, nhưng thực ra ông lại là người hành xử không theo bất kỳ quy tắc nào và sống tình cảm. Hai tính cách trái ngược trong một con người đã tạo nên tình huống bất ngờ, đầy tiếng cười dí dỏm. “The Grand Budapest Hotel” được giới phê bình đánh giá rất cao và họ không tiếc lời khen rằng đây là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Wes Anderson tính tới thời điểm hiện tại. Tác phẩm được tờ Telegraph đánh giá 5/5 sao, Tim Robey – cây bút của tờ báo ngợi khen: “Anderson không làm phim theo kiểu êm ái, ủy mị của Hollywood xưa cũ. Chúng ta đã tìm thấy cái nhìn mới và thú vị với góc nhìn hoài cổ”.

Trong nền điện ảnh quốc tế, ngoài các đạo diễn Alfred Hitchcock, Michelangelo Antonioni, Jean –Luc Godard nổi tiếng với sự sáng tạo độc lập, phong cách không thể lẫn vào đâu được thì Wes Anderson cũng là đạo diễn hiếm hoi nằm trong số này. Wes Anderson được coi là bậc thầy trong việc đưa những dự án độc lập kinh phí thấp trở thành tác phẩm tạo dấu ấn sâu đậm trong lịch sử, như: “The Royal Tenenbaums”, “The Darjeeling Limited”, “Fantastic Mr. Fox”, “Rushmore”, “Moonrise Kingdom”. Wes Anderson có phong cách làm phim hoàn toàn khác biệt, kể chuyện thong thả, chậm rãi. Khi cần nhấn mạnh, Wes Anderson thường chủ ý đặc tả mặt nhân vật và ông rất chú trọng thêm các phần phụ khác như: xử lý màu sắc, âm nhạc để tác phẩm thêm cuốn hút.

Trong một bài phỏng vấn, Wes Anderson từng chia sẻ rằng có hai nguyên nhân khiến ông trở thành nhà làm phim thay vì tác giả viết tiểu thuyết: “Tôi cảm thấy hứng thú với việc sắp xếp mọi thứ về mặt thị giác, đó chính là lý do vì sao tôi thường hay vẽ. Cơ bản tôi không phải tay máy quay, không tạo ra được những hình ảnh đẹp nhưng tôi lại thoải mái và hứng thú với nhiều khía cạnh khác của một nhà làm phim”.

ÁI LAM (Tổng hợp từ Telegraph, WSJ)

Chia sẻ bài viết