01/03/2019 - 18:09

Ngoại trưởng Mỹ:

Washington “nóng lòng” trở lại đàm phán với Bình Nhưỡng 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh) ngày 1-3 cho biết Mỹ đang rất “nóng lòng trở lại bàn đàm phán” để tiếp tục đối thoại với Triều Tiên về những khúc mắc sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Manila trong chặng dừng chân ngắn tại Philippines sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, ông Pompeo cũng cho biết Triều Tiên “về cơ bản đề nghị dỡ bỏ mọi trừng phạt”, song không làm rõ đề xuất dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon ở mức nào. Ông cũng nói Bình Nhưỡng đã rất cởi mở liên quan kế hoạch sẵn sàng triển khai ở Yongbyon, song “vẫn chưa đủ rõ ràng về quy mô đề xuất thực hiện”.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra đề xuất về việc dừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, đổi lại Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết không gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây được đánh giá là kết quả tích cực của hội nghị, giúp duy trì không khí hòa hoãn trên Bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực.

Tuy nhiên, hai bên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị trên vì còn bất đồng về các lệnh trừng phạt và các biện pháp tương ứng. Tổng thống Trump tại cuộc họp báo sau hội nghị cho biết ông Kim Jong-un muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ “hoàn toàn”, tuy nhiên sau đó Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho tại cuộc họp báo lúc nửa đêm 28-2 (theo giờ Hà Nội) cho biết Bình Nhưỡng chỉ muốn dỡ bỏ “một phần” các lệnh trừng phạt và nhấn mạnh đây là “đề nghị thực chất” để các kỹ sư hai nước dỡ bỏ toàn bộ cơ sở hạt nhân chính tại Yongbyon. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho biết Triều Tiên đã đề nghị đóng cửa “một phần” tổ hợp hạt nhân Yongbyon đổi lại việc dỡ bỏ “hoàn toàn” các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, ngoại trừ các biện pháp cấm vận vũ khí. Quan chức này nhận định: “Thế tiến thoái lưỡng nan ở đây là Triều Tiên không sẵn lòng đóng băng toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của họ”.

Trong khi đó, trong bài phát biểu nhân ngày Hàn Quốc kỷ niệm 100 năm Phong trào Độc lập 1-3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ca ngợi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội là một tiến trình hướng tới một thỏa thuận “ở cấp độ cao hơn”, mặc dù hai bên không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc gặp này. Ông nêu rõ: “Điều quan trọng là họ thậm chí đã thảo luận về việc thiết lập một văn phòng liên lạc ngoại giao giữa hai bên, một bước quan trọng để hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương”.

Cùng quan điểm, một số nhà phân tích đã nêu bật khả năng “đặt nền móng cho sự tiến triển trong tương lai” mà hội nghị đem lại, đồng thời thừa nhận rằng hội nghị thượng đỉnh này là cần thiết.

Chủ tịch Viện Sejong của Hàn Quốc Paik Hak Soon nhận định ngay cả khi hai bên không ký kết thỏa thuận, thì việc lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước ngồi đàm phán 1-1 và tái khẳng định các vấn đề còn tồn tại, sẽ rất hữu ích, giúp thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ trừng phạt trong tương lai.

Chuyên gia David Kim thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên giờ đây mới vào khúc dạo đầu, sau đó sẽ còn nhiều diễn biến với nhiều cảm xúc. Chỉ cần hai bên tôn trọng các cam kết đã đưa ra thì chắc chắn sẽ có kết quả tích cực trong tương lai.      

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn ý kiến của chuyên gia quan hệ quốc tế Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) Vương Tuấn Sinh, coi hội nghị thượng đỉnh Hà Nội là một “thỏa thuận chuyển tiếp” để kết nối quá khứ và tương lai.

Chia sẻ bài viết