03/01/2019 - 08:50

Vĩnh Thuận - huyện vùng sâu phấn đấu xây dựng nông thôn mới 

Giai đoạn 2016-2018, tổng vốn đầu tư của chương trình và lồng ghép xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) gần 349 tỉ đồng. Đến nay, huyện Vĩnh Thuận được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 4/7 xã; 3 xã còn lại đạt từ 15-18 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt 40,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 8,02% năm 2016 giảm xuống còn 5,3% năm 2018.

 Đường về xã Vĩnh Thuận.

Huyện Vĩnh Thuận bố trí hợp lý các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, đồng thời tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, mở lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật - công nghệ, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường trong nông nghiệp…; thực hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, Vĩnh Thuận thực hiện 3 cánh đồng mẫu lớn, nhiều mô hình mới, như nuôi tôm - lúa cộng đồng, nuôi cua thương phẩm, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú, trồng rau, mô hình nuôi rắn…; vận động nhân dân làm thủy lợi nội đồng; cải tạo mặt bằng đồng ruộng cho hơn 7.200ha lúa 2 vụ, nạo vét mương vuông cho nuôi trồng thủy sản hơn 23.000ha.

 Ngoài ra, từ năm 2016 đến cuối năm 2018, huyện đã đầu tư làm mới và nâng cấp 67 công trình cầu, đường giao thông nông thôn với tổng số vốn trên 162 tỉ đồng. Có 100% tuyến đường từ huyện về trung tâm xã được nhựa hóa, 100% tuyến đường từ xã về ấp được bê tông hóa. 

Xã Vĩnh Phong là một trong 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Vĩnh Thuận.

Vĩnh Thuận cũng rà soát, đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với phát triển giao thông, xây dựng các cống, kiểm soát xâm nhập mặn, điều tiết nước phục vụ sản xuất. Giai đoạn 2016 - 2018, huyện đầu tư nạo vét 66 công trình kênh thủy lợi nội đồng, chiều dài trên 193km, xây mới 38 cống điều tiết nước, 1 trạm bơm cho hợp tác xã nông nghiệp và tuyến đê bao ven sông Cái Lớn từ giáp ranh xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng về đến vàm Chắc Băng, xã Vĩnh Bình Bắc, dài trên 16,9km. Tuyến đê bao sông Cái Chanh, xã Phong Đông từ Vàm Chắc Băng đến xã Vĩnh Phong dài 6,5km, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 119,4 tỉ đồng. Huyện vận động từ các nguồn xã hội hóa khác để xóa 310 căn nhà tạm, dột nát với tổng nguồn vốn 9,3 tỉ đồng. Đến nay có 4/7 xã trong huyện đạt tiêu chí về nhà ở; hiện có 3.066 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Huỳnh Thanh Bình, khẳng định: Để Vĩnh Thuận trở thành huyện nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động theo chiều sâu đến từng địa bàn dân cư, hộ gia đình bằng nhiều hình thức. Huyện cũng rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo tính kết nối giữa nông thôn với thành thị; tập trung ưu tiên thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực trên địa bàn xã. Đặc biệt, huyện Vĩnh Thuận ưu tiên phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thị trường ổn định; đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025...

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết