03/02/2021 - 08:29

Vị tướng đứng sau chính biến ở Myanmar 

Sau cuộc chính biến gây chấn động hôm 1-2, mọi sự chú ý hiện đổ dồn về Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing (ảnh), người tuyên bố cuộc bầu cử mới ở quốc gia Đông Nam Á này sẽ được tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm kết thúc.

Ảnh: AFP

Tham vọng được dự báo

Theo tờ Thời báo New York (NYT), Thống tướng Hlaing lẽ ra sẽ nghỉ hưu vào tháng 7 tới khi ông bước sang tuổi 65, độ tuổi nghỉ hưu chính thức của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar. Song, thay vì chuẩn bị rời nhiệm sở và nhường ghế cho người kế vị, ông Hlaing lại củng cố quyền lực thông qua một cuộc chính biến.

Cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng hồi 11-2020, trong đó Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo với 396 ghế (83% số ghế), quân đội Myanmar tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm và nắm quyền trong thời gian đó, đồng thời khẳng định sẽ tổ chức “cuộc tổng tuyển cử đa đảng tự do và công bằng”. Nhưng liệu ông Hlaing sẽ giữ lời hứa khi mà Nehginpao Kipgen, Giám đốc Ðiều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Ðông Nam Á thuộc Trường Các vấn đề Quốc tế Jindal (Ấn Ðộ) cho rằng “mục đích của quân đội luôn là điều hành đất nước”?

Theo cuộc điều tra của NYT hồi năm 2017, Thống tướng Hlaing từ lâu có ý định thâu tóm quyền lực. U Win Htein, cố vấn của bà San Suu Kyi, thậm chí nói với NYT rằng ông này còn có kế hoạch trở thành tổng thống Myanmar vào năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử tháng hồi 11-2020 đã dập tắt tham vọng của ông. Theo đó, NLD của bà San Suu Kyi thắng đậm, trong khi đảng Phát triển và Ðoàn kết Liên minh (USDP) được quân đội hậu thuẫn chỉ nhận được một phần nhỏ số phiếu bầu. Song, ông Hlaing không chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử này.

Thăng tiến “chậm mà chắc”

Sinh năm 1956 tại thành phố Tavoy, ông Hlaing học tập ở Yangon, cố đô của Myanmar. Theo Hãng tin Reuters, ông Hlaing ít quan tâm đến tình hình chính trị khi theo học ngành luật tại Ðại học Yangon trong giai đoạn 1972-1974, đặc biệt là rất ít nói và thường có thái độ khiêm tốn. Mỗi năm, ông kiên trì nộp đơn xin gia nhập Học viện Quốc phòng (DSA), trường quân sự hàng đầu ở Myanmar và được trúng tuyển sau lần nộp đơn thứ 3 vào năm 1974. Theo một học viên cùng lớp ở DSA, ông Hlaing chỉ là một học viên bình thường, nhưng lại “được thăng chức một cách chậm rãi nhưng đều đặn, chắc chắn”.

Năm 2011, Tướng Hlaing trở thành Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar khi quá trình chuyển giao quyền lực bắt đầu. Vào thời điểm bà San Suu Kyi mới bắt đầu nhiệm kỳ Cố vấn Nhà nước hồi năm 2016, ông Hlaing đã từ một quân nhân kín tiếng trở thành một chính trị gia và người của công chúng. Ông dùng mạng xã hội Facebook để công khai các hoạt động, cuộc họp với các quan chức hay những chuyến viếng thăm các cơ sở tôn giáo. Trang cá nhân của ông thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi, trước khi bị Facebook khóa tài khoản năm 2017. Ông nghiên cứu nhiều hình thức chuyển giao quyền lực và nhận thấy cần phải tránh đi vào vết xe đổ của Libya và một số quốc gia Trung Ðông, vốn đang chìm trong hỗn loạn sau những chính biến của phong trào “Mùa Xuân Arab” năm 2011.

Theo Reuters, ông Hlaing chưa bao giờ muốn từ bỏ 25% ghế của quân đội trong Quốc hội cũng như không có ý định thay đổi bất kỳ điều khoản nào của Hiến pháp năm 2008, vốn ngăn cản bà San Suu Kyi trở thành tổng thống. Vào tháng 2-2016, ông Hlaing kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo thêm 5 năm nữa, khiến giới quan sát ngạc nhiên, bởi họ dự đoán ông sẽ từ chức vào năm đó trong một cuộc cải tổ của quân đội. Năm 2017, lực lượng vũ trang Myanmar bị cáo buộc tiến hành nhiều chiến dịch chống ly khai, khiến hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh, buộc Mỹ phải áp đặt lệnh trừng phạt lên Tướng Hlaing và 3 lãnh đạo khác trong quân đội Myanmar vào năm 2019.

Phát biểu năm 2016, Thống tướng Hlaing tuyên bố “quân đội phải hiện diện như vai trò hàng đầu trong nền chính trị quốc gia”. Quân đội Myanmar quả thật từ lâu tự nhận mình là lực lượng bảo vệ sự thống nhất đất nước và Hiến pháp cho phép quân đội điều hành đất nước khi tình hình khẩn cấp, mà khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 và gian lận bầu cử được cho là cái cớ cho cuộc binh biến hôm 1-2.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết