27/11/2023 - 20:53

Vì sao Trung Quốc không “mặn mà” với Land Bridge? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Eo biển Malacca từ lâu là nơi mà giới chức và học giả Trung Quốc coi là điểm đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhiều nguyên liệu thiết yếu, gồm dầu thô và khoáng sản, vốn có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước tỉ dân, được vận chuyển qua tuyến đường này. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại không “mặn mà” với một con đường thay thế khả dĩ do Thái Lan đề xuất.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin giới thiệu dự án Land Bridge bên lề hội nghị APEC. Ảnh: AP

Bắc Kinh trong nhiều thập niên đã ra sức tìm kiếm giải pháp thay thế eo biển Malacca bằng cách mạnh tay đầu tư xây dựng các đường ống dẫn khí tại Trung Á; phát triển hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan; xây dựng đường ống nối các cảng của Myanmar trên Biển Andaman với tỉnh Vân Nam cũng như thiết lập mạng lưới vận tải hàng hóa đường sắt nối Trung Quốc với châu Âu. Và lựa chọn mới nhất mà Bắc Kinh có thể nhắm tới là dự án Land Bridge (cầu đất liền hay cầu cạn) ở Thái Lan, được thiết kế để cung cấp tuyến thương mại mới kết nối giữa Ấn Ðộ Dương (Biển Andaman) và Thái Bình Dương (Vịnh Thái Lan) mà hoàn toàn không phải đi qua eo biển Malacca. Dự án bao gồm việc xây dựng hệ thống đường sắt và đường bộ dài khoảng 90km kết nối cảng nước sâu ở tỉnh Chumphon trên Vịnh Thái Lan với cảng nước sâu ở tỉnh Ranong trên Biển Andaman.

Dự án trên với vốn đầu tư khoảng 1 ngàn tỉ baht (tương đương 27,7 tỉ USD) đã được Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đề cập khi tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường (BRI)” lần thứ ba hồi giữa tháng 10. Và mới đây, ông Srettha cũng đã chia sẻ với các nhà đầu tư nhiều thông tin về dự án này trong chuyến thăm Mỹ dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Theo đó, dự án sẽ giúp cắt giảm đáng kể thời gian đi lại giữa Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương trung bình khoảng 4 ngày và giảm 15% chi phí vận chuyển.

Bangkok hy vọng sau khi hoàn thành, dự án này sẽ có công suất vận chuyển hàng năm lên tới 10 triệu container. Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Suriya Juangroongruangkit cho biết, xứ sở Chùa Vàng đang có kế hoạch triển khai các chương trình nhằm mục đích quảng bá và gây quỹ xây dựng dự án trong những tháng tới. Theo Cục Phát triển Mậu dịch Hong Kong, quá trình đấu thầu hợp đồng xây dựng dự án sẽ bắt đầu trong giai đoạn từ tháng 4-6 năm sau, trong khi giai đoạn xây dựng vận hành đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu năm 2030.

Song, giới phân tích lại nhận thấy sự quan tâm của Trung Quốc đối với dự án Land Bridge ở mức thấp, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Lữ Tường, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết dự án này không phải là loại dự án chiến lược, cao cấp mà Trung Quốc sẽ dồn sức hỗ trợ, bởi “nó không giống như một tuyến đường thay thế” khi mà việc dỡ và đóng hàng hóa sẽ phức tạp và có thể không giúp cắt giảm chi phí. Ông Lữ cho rằng nếu không có giải pháp thay thế khả thi thì eo biển Malacca có thể vẫn là tuyến đường thiết yếu để đưa dầu thô từ Trung Ðông đến Ðông Á và hàng tiêu dùng từ Trung Quốc sang Trung Ðông.

Trong khi đó, Châu Phong, viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Ðại học Nam Kinh, cho rằng tương lai của dự án phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền Thái Lan. “Trung Quốc khó có thể tài trợ cho dự án nhưng các công ty Trung Quốc có thể sẽ trở thành nhà thầu nếu dự án được triển khai” - ông Châu nhận định. Còn David Zweig, giáo sư danh dự tại Ðại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong thì cho rằng Trung Quốc hiện khá bận rộn trong việc xây dựng tuyến đường sắt nối thành phố Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) với thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) nên Bắc Kinh có thể không muốn thực hiện thêm một dự án khác.

Chia sẻ bài viết