09/10/2022 - 09:09

Vì sao Trung Quốc do dự trước Taliban? 

TRÍ VĂN

Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul,  nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ quốc gia nào chính thức công nhận Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, kể cả Trung Quốc.

Nhóm chiến binh tộc Duy Ngô Nhĩ hoạt động ở Afghanistan. Ảnh: AP

Bất chấp những lời đồn đoán cách đây một năm về lợi ích chiến lược và giá trị thương mại của Afghanistan đối với Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn cực kỳ thận trọng trong việc can dự vào quốc gia Tây Nam Á này. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc khó sớm công nhận ngoại giao và đầu tư kinh tế lớn vào Afghanistan, bởi trở ngại lớn nhất hiện nay là nhóm chiến binh Duy Ngô Nhĩ hoạt động ở Afghanistan cũng như sự không chắc chắn về tương lai của nước này.

Yếu tố chiến binh Duy Ngô Nhĩ

Khi Taliban kiểm soát Kabul vào tháng 8 năm ngoái, mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc là dòng người tị nạn Afghanistan và các chiến binh Duy Ngô Nhĩ. Mặc dù các đối tượng này không có khả năng trực tiếp đến Trung Quốc nhưng do địa hình hiểm trở của Hành lang Ngõa Hãn, Bắc Kinh lo ngại họ sẽ chạy đến Tajikistan rồi quá cảnh sang Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc đã tăng cường trợ giúp an ninh và hợp tác với Tajikistan, gồm việc xây dựng cơ sở quân sự chung ở tỉnh tự trị Gorno-Badakhshan, giáp với Tân Cương.

Song, các mối đe dọa khủng bố thông qua Tajikistan không thực sự hiện hữu. Thay vào đó, Trung Quốc đã phải chứng kiến các vụ tấn công ngày càng gia tăng nhằm vào công dân nước này ngay trên đất Pakistan. Ðơn cử, một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc hồi tháng trước bị bắn chết tại một phòng khám đa khoa ở thành phố Karachi. Còn hồi tháng 4 năm ngoái, một vụ đánh bom liều chết đã lấy đi sinh mạng của 3 giáo viên Trung Quốc tại Viện Khổng Tử Karachi.

Bất chấp mối đe dọa an ninh ngày càng tăng ở Pakistan, những lời phàn nàn về an ninh của Trung Quốc với Afghanistan vẫn không được giải quyết. Năm ngoái, một phát ngôn viên của Taliban tuyên bố sẽ không cho phép bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công chống lại bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, tuyên bố này tuân theo cam kết được chính thức hóa trong thỏa thuận hòa bình Doha mà Taliban ký với Mỹ hồi năm 2020, trong đó Taliban cam kết “ngăn chặn bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân khủng bố quốc tế nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để phá hoại an ninh của Mỹ và các đồng minh”. Tuy nhiên, thỏa thuận lại không có bất kỳ điều khoản nào nhằm cấm Taliban cho phép các chiến binh trú ẩn tại Afghanistan. Ðây là lý do vì sao vẫn còn các chiến binh Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan.

Về cơ bản, Taliban không vi phạm các cam kết của mình nhưng điều này không giải quyết được lo ngại của Trung Quốc về các vụ đánh bom do các chiến binh Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan thực hiện. Theo các chuyên gia, để Trung Quốc có thể công nhận về mặt ngoại giao đối với Afghanistan trừ phi Taliban cam kết tiêu diệt hết các tay súng Duy Ngô Nhĩ.

Tương lai bất định của Afghanistan

Lâu nay, Trung Quốc luôn tìm cách gây ảnh hưởng đối với Taliban thông qua Pakistan. Ðây là lý do chính khiến chiến thắng mà Taliban giành được hồi năm ngoái được coi là “bàn đạp” thúc đẩy ảnh hưởng tại khu vực của Bắc Kinh. Nhưng kể từ đó, cả quan hệ giữa Pakistan với Taliban và quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan ngày càng trở nên căng thẳng, bởi Taliban ra sức hỗ trợ lực lượng Taliban tại Pakistan, hay còn gọi là Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), vốn vừa là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Pakistan vừa là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa 2 nước. Trong khi đó, sự phát triển chậm chạp của Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), tình trạng Pakistan ngày càng trở thành gánh nặng tài chính và là địa bàn của các cuộc tấn công khủng bố chống Trung Quốc đang dần tạo nên mối bất hòa giữa 2 nước.

SCMP cho hay, tại Afghanistan, các ưu đãi về kinh tế của Trung Quốc được cho là đòn bẩy tiềm năng chính. Taliban xét cho cùng đã gửi cho Trung Quốc những tín hiệu hoan nghênh đầu tư và thương mại trước khi họ tiếp quản Afghanistan. Tuy nhiên, Trung Quốc cho thấy sự do dự khi vấn đề về các chiến binh Duy Ngô Nhĩ vẫn là cái gai hiển nhiên trong mắt Bắc Kinh. Do đó, nếu Trung Quốc “không bật đèn xanh”, không ai trong số nhiều công ty và doanh nhân Trung Quốc đến thăm Afghanistan trong năm qua sẽ khởi động bất kỳ dự án nào.

Một yếu tố khác khiến Trung Quốc không mặn mà trong mặt trận kinh tế tại Afghanistan nằm ở sự không chắc chắn về tương lai của chính phủ và đất nước Afghanistan. Giới phân tích cho rằng nếu không có dấu hiệu cho thấy sự ổn định trở lại tại Afghanistan, nền quản trị và hoạch định chính sách hiệu quả cũng như sự công nhận của quốc tế, bất kỳ nỗ lực kinh tế nào của Trung Quốc tại Afghanistan cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, gồm các mối đe dọa về an ninh, tổn hại danh tiếng và tổn thất về kinh tế.

Chính sự thận trọng của Trung Quốc đã khiến Taliban thất vọng. Khan Jan Alokozay, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Ðầu tư Afghanistan, gần đây phàn nàn rằng “Trung Quốc thậm chí không đầu tư một xu nào” vào Afghanistan.

Chia sẻ bài viết