05/02/2021 - 13:04

Vì sao phải luôn cảnh giác với tình trạng cơ thể bị mất nước? 

Nước đóng vai trò quan trọng đối với mọi chức năng sinh học của cơ thể. Trong quyển sách “Quench” (tạm dịch: “Đánh tan cơn khát”), Tiến sĩ Dana Cohen và nhà nhân chủng học Gina Bria đã phân tích về tầm quan trọng của việc cấp nước cho cơ thể, đồng thời cảnh báo nhiều yếu tố - như chế độ ăn uống, tuổi tác, thuốc, lối sống tĩnh tại - đang khiến nhiều người bị mất nước nhẹ mà không hay biết, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn.

Vai trò của nước

Theo khuyến nghị, phụ nữ cần bổ sung 2,7 lít nước (gồm cả trong đồ ăn và thức uống)/ngày và nam giới là 3,7 lít nước/ngày. 

Nước là thành phần thiết yếu của cơ thể, giúp hòa tan và vận chuyển các hóa chất, khoáng chất, dưỡng chất và khí ôxy đến các tế bào. Không chỉ điều hòa thân nhiệt (thông qua việc tiết mồ hôi), nước còn giúp cơ thể thải trừ các phế phẩm, đồng thời hoạt động như một chất giảm sốc và bôi trơn cho khớp xương, tế bào, mắt, mũi và miệng, cũng như bảo vệ các nội tạng.

Các chuyên gia cho biết việc cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp làn da và mái tóc luôn khỏe mạnh, duy trì hoạt động bình thường của các hệ thống trong cơ thể (như hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn), đồng thời hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Chính vì nước quan trọng trên nhiều phương diện như vậy, chúng ta cần bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể để đảm bảo các chức năng sinh học diễn ra bình thường.

Ngoài tham gia vào các chức năng sinh tồn quan trọng, nước còn chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể, với tỷ lệ ước tính thấp nhất ở người trưởng thành là 65%. Tỷ lệ nước trong cơ thể cũng giảm dần theo tuổi tác, như ở trẻ nhỏ là 75% và giảm còn 55% ở người cao tuổi, một phần là do tình trạng mất cơ vì lão hóa.

Những nguy cơ tiềm ẩn khi cơ thể bị mất nước

Thông thường, cơ thể chúng ta mất khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày qua các hoạt động sinh lý - như hô hấp, đổ mồ hôi, tiêu hóa... nên nếu không bù đắp đủ lượng nước thất thoát, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước, không thể thực hiện các chức năng một cách bình thường. Các nhà khoa học khẳng định rằng tình trạng mất nước, dù ở mức nhẹ nhất, cũng tác động to lớn đến cơ thể và não bộ của chúng ta. Nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng mất nước nhẹ có thể làm trầm trọng thêm các cơn đau nhức - như đau khớp, đau nửa đầu và đau sau phẫu thuật.

Không chỉ vậy, mất nước còn được chứng minh là làm tăng hoạt động của não bộ liên quan đến cơn đau. Chẳng hạn, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Anesthesia & Analgesia (Mỹ) cho thấy khi người tham gia nhúng tay vào nước đá, vùng não liên quan đến cảm giác đau đã hoạt động mạnh hơn khi cơ thể họ mất nước, so với khi họ được cấp nước đầy đủ. Một nghiên cứu khác phát hiện tình trạng cơ thể mất nước dù chỉ 2% - tương đương 1 lít nước - cũng làm suy giảm đáng kể chức năng nhận thức, năng lực thực hiện các tác vụ đòi hỏi sự tập trung, ghi nhớ, cảm giác và phán đoán.

Nhiều nghiên cứu từng chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng cơ thể bị mất nước nhẹ với nguy cơ mắc chứng trào ngược axit, bệnh tim, béo phì, tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp và chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi - bệnh Alzheimer.

Nguyên nhân và cách khắc phục

Nghiên cứu cho thấy chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng mất nước cấp độ nhẹ mà không nhận ra. Một lý do là cơ chế khát nước của cơ thể giảm dần theo tuổi tác, đồng thời khối lượng cơ - một trong những nơi tích trữ nước nhiều nhất - cũng giảm theo. Một nguyên nhân khác là lối sống ít vận động, yếu tố làm chậm quá trình vận chuyển nước vào tế bào, cũng như quá trình đào thải độc chất.

Ngoài ra, sử dụng một số dược phẩm - như thuốc trị bệnh tim mạch - có thể ngăn cản khả năng cấp nước hiệu quả của tế bào. Việc tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối, thức ăn ngọt, đồ uống chứa caffeine cũng khiến cơ thể thất thoát nhiều nước hơn, dẫn tới tình trạng mất nước.

* Để đảm bảo cơ thể được cấp nước đầy đủ, bạn có thể thử áp dụng một số “mẹo” đơn giản sau:

+ Khởi đầu ngày mới bằng cách uống nước. Vào sáng sớm, cơ thể thường trong tình trạng thiếu nước do trải qua một đêm dài, thậm chí nhiều người còn tránh uống nước trước giờ ngủ để hạn chế nhu cầu đi vệ sinh vào giữa đêm. Do đó, việc đầu tiên bạn nên làm khi thức dậy là uống một ly nước lớn - vừa giúp bạn bù nước vừa kích hoạt các hệ thống trong cơ thể.

+ Chuẩn bị sẵn một bình nước dung tích lớn. Mẹo nhỏ này có thể giúp bạn sớm hoàn thành mục tiêu uống đủ nước trong ngày. Hãy đổ đầy bình nước vào sáng sớm và đặt mục tiêu uống cạn nước vào cuối ngày. Nếu có việc phải đi ra ngoài, bạn nhớ mang theo một chai nước nhỏ. Cách này vừa đảm bảo bạn uống đủ nước, vừa giúp bản thân phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh vì dùng nước bị nhiễm bẩn ở bên ngoài.

+ Cài ứng dụng nhắc uống nước trên điện thoại di động. Do điện thoại là thiết bị ở cạnh bạn suốt cả ngày, nên đây sẽ là công cụ hữu hiệu để nhắc bạn bổ sung nước cũng như dễ dàng kiểm tra mình đã nhận đủ lượng nước cần thiết hay chưa.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail, Timesnownews.com)

Chia sẻ bài viết