13/06/2019 - 11:57

Vì sao Nhật Bản thiếu hụt giáo viên mầm non? 

Nước Nhật đang thiếu hụt giáo viên mầm non trầm trọng, nhưng việc nữ giáo viên buộc phải nghỉ việc khi mang thai khiến tình trạng đó khó có thể được cải thiện. Câu chuyện của Erica Takato là một ví dụ.

Giáo viên mầm non Nhật Bản trong giờ làm việc. Ảnh: NYT

Giáo viên mầm non Nhật Bản trong giờ làm việc. Ảnh: NYT

Ngay từ khi còn là một cô gái trẻ, điều Erica Takato muốn làm là trở thành giáo viên mầm non. Do đó, Takato quyết tâm lấy được tấm bằng giáo dục mầm non và làm việc tại một trung tâm chăm sóc trẻ em. Đến khi có thai, Takato buộc phải từ bỏ công việc yêu thích của mình.

Vài tuần trước khi sinh, Takato được bác sĩ yêu cầu phải nghỉ ngơi, nhưng cô cho biết hiệu trưởng đã tra hỏi tình trạng sức khỏe của cô và nói rằng giáo viên nữ ở trường mầm non thông thường phải nghỉ việc sau khi trở thành mẹ. Takato bị sốc. Do cảm thấy bị hiệu trưởng quấy rối và đồng nghiệp bắt nạt, cô đã bỏ việc. “Tôi rất nản lòng và mất hy vọng” - Takato bày tỏ nỗi thất vọng.

Takato nghỉ việc trong bối cảnh Nhật Bản thiếu hụt nghiêm trọng giáo viên mầm non. Theo đó, ít nhất 20.000 trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi tại xứ hoa anh đào không được vào các trung tâm giữ trẻ do nhà nước hỗ trợ. Chính phủ Nhật cho hay nước này trong 2 năm tới cần tạo ra các cơ sở tiếp nhận thêm hàng trăm ngàn trẻ em cùng hàng chục ngàn giáo viên mầm non. Tuy nhiên, giới chức công đoàn cũng như nhiều giáo viên giàu kinh nghiệm lo ngại rằng nhu cầu này khó có thể được đáp ứng, bởi ngoài thời gian làm việc dài (từ 11 tiếng/ngày) và mức lương thấp, giáo viên mầm non thường bị áp lực hoặc buộc phải từ bỏ nghề vì sinh con.

Thật ra tình trạng này không chỉ xảy ra trong ngành giữ trẻ. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, khiếu nại xung quanh việc phụ nữ bị giới chủ giáng cấp hay yêu cầu từ bỏ công việc do họ kết hôn, mang thai hoặc sinh con đã tăng hơn 20% trong thập kỷ qua. “Khi một phụ nữ mang thai và sinh con, cô ấy khó có thể làm việc giống như lúc độc thân hoặc như nhân viên nam. Đó là lý do tại sao các công ty cho rằng họ không muốn có những người lao động như vậy, từ đó dẫn đến sự phân biệt đối xử, quấy rối đối với các chị em” - Yumi Hasegawa, luật sư chuyên xử lý các vụ kiện cáo xung quanh việc phân biệt đối xử đối với phụ nữ sau sinh, cho hay.

Cuộc khủng hoảng thiếu giáo viên mầm non của Nhật Bản có vẻ như là một nghịch lý ở đất nước có khá ít trẻ nhỏ. Dù Nhật Bản có gần 130 triệu người nhưng chưa tới 1 triệu trẻ em được sinh ra vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 1899. Hiện Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Từ lâu, phụ nữ Nhật Bản có truyền thống bỏ việc sau khi kết hôn hoặc sinh con. Song, truyền thống này dường như chỉ là “chuyện của ngày xưa”. Theo báo cáo của Viện Brookings (Mỹ), có đến 72% phụ nữ Nhật Bản kết hôn ở độ tuổi từ 25-54 ra ngoài làm việc vào năm 2017, tăng hơn nhiều so với mức 58% năm 2000. Thủ tướng Shinzo Abe trong một tuyên bố cam kết sẽ giúp các bà mẹ trở lại làm việc sau khi sinh con bằng cách tăng cường xây dựng các cơ sở mầm non. Kể từ năm 2013, các thành phố đã tiếp nhận bổ sung 535.500 trẻ được chăm sóc ban ngày có trợ cấp. Mới đây, chính quyền Abe áp dụng chính sách miễn phí cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Chính phủ Nhật Bản muốn tăng tỷ lệ phụ nữ làm việc lên 80%. Để làm được điều này, Nhật Bản cần phải bổ sung 321.000 trẻ được trợ cấp chăm sóc vào năm 2021, vốn đòi hỏi phải tuyển thêm 77.000 giáo viên mầm non.

HOÀNG NAM (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết