Nhật Bản là quốc gia già nhất thế giới với hơn 28% dân số trên 65 tuổi. Người cao tuổi ở Nhật bị SARS-CoV-2 ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là những người sống tại các khu tập thể. Tuy nhiên, nước này đã bảo vệ tốt họ trong đại dịch.
Người già Nhật Bản tại một viện dưỡng lão ở thành phố Nagoya. Ảnh: Asahi Shimbun
Ðến nay, Nhật Bản ghi nhận chưa tới 1.300 ca tử vong do COVID-19, trong khi Mỹ ghi nhận khoảng 189.000 trường hợp. Song, đáng chú ý là chỉ 14% số ca tử vong do virus Corona ở Nhật xảy ra ở các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ lên tới hơn 40%, dù tỷ lệ người cao tuổi Mỹ sống trong các viện dưỡng lão thấp hơn ở Nhật, chỉ 1% so với 1,7%.
Theo Reiko Hayashi, Phó Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản, sự tương phản trên một phần là do Tokyo phản ứng nhanh hơn các quốc gia phương Tây trong việc đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, văn hóa xứ Mặt trời mọc cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Chính ưu tiên dành cho việc chăm sóc người cao tuổi trong xã hội cũng như các biện pháp mạnh mẽ được áp dụng tại các viện dưỡng lão đã góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh của nước này. Kayoko Hayakawa, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Quốc gia và Sức khỏe Toàn cầu cho biết: “Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi Nhật Bản rất chú trọng đến việc bảo vệ người cao tuổi, không chỉ trước virus Corona mà còn trước virus gây ra bệnh tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng (NoV), cúm và các vi khuẩn khác. Các biện pháp phòng ngừa hàng ngày luôn sẵn sàng triển khai”.
Ðơn cử như tại viện dưỡng lão Cross Heart ở thành phố Kawasaki, phía Nam thủ đô Tokyo, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được thắt chặt vào đầu tháng 2 lúc những điều dưỡng viên tại đây nhận thấy mối nguy hiểm của COVID-19 khi nó hoành hành thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Theo đó, nhân viên của viện cũng như người thăm nom đều phải sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi họ bước vào quán cà phê và khu vực hành chính được khử trùng sạch sẽ ở tầng trệt. Việc ra vào tầng 2, nơi các cụ ông cụ bà sinh sống, được kiểm soát rất chặt chẽ, ngay cả người thân của các cụ cũng không được lui tới. Ðối với các trường hợp bệnh nhân cận kề cái chết, chỉ một hoặc 2 người thân được phép vào thăm.
“Do chúng tôi làm việc tại đây hàng ngày, nên chúng tôi nhận thức được mối nguy của NoV và virus cúm. Chúng tôi cũng nhận thức được tác động của virus Corona từ khá sớm. Nguyên tắc rất cơ bản của việc chăm sóc người cao tuổi là luôn luôn rửa tay. Khi chăm sóc ai đều rửa tay, làm việc khác cũng phải rửa tay” - Chihiro Kasuya, trưởng nhóm điều dưỡng của Cross Heart, nói với tờ Bưu điện Washington.
Viện dưỡng lão Life & Senior ở thành phố Ichikawa cũng có các biện pháp phòng dịch tương tự. Takao Furusawa, quản lý của Life & Senior, cho biết anh rất biết ơn các nhân viên viện dưỡng lão này vì đã chung tay phòng chống dịch. Theo Furusawa, các điều dưỡng viên hầu như không đến bất cứ nơi nào khác ngoại trừ nơi đây. Họ chỉ đi lại giữa nhà và nơi làm việc, đặc biệt là họ rất nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình.
Trong khi đó tại Mỹ, ngay cả trước khi dịch bệnh diễn ra, khoảng 40% viện dưỡng lão đã bị tố vi phạm các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng 380.000 cư dân xứ cờ hoa bỏ mạng vì nhiễm khuẩn mỗi năm.
Một lý do khác khiến người cao tuổi Nhật ít tử vong vì COVID-19 là họ có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, béo phì thấp hơn những người già ở phương Tây. Một nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân béo phì nhiễm SARS-CoV-2 thường có diễn biến bệnh nặng hơn.
TRÍ VĂN