05/08/2009 - 09:11

Vì sao ngân sách quốc phòng Mỹ "phình" to?

Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng thống Barack Obama đã thay đổi một số chính sách quân sự của Mỹ. Chẳng hạn, ông cắt giảm hàng tỉ USD của các chương trình vũ khí đồ sộ; trì hoãn kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và CH Czech; đàm phán cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân với Nga... Tuy nhiên, vị tổng thống gốc Phi này vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng cố hữu của các nhà lãnh đạo Mỹ là thống lĩnh quân sự toàn cầu.

Phát biểu tại Đại học Quốc phòng hồi tháng 3-2009, ông Obama tuyên bố nước Mỹ sẽ duy trì sự thống trị quân sự, rằng các lực lượng vũ trang nước này sẽ tiếp tục hùng mạnh nhất thế giới nhờ vào các nỗ lực phát huy ưu thế về công nghệ, khả năng tài chính nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ, đủ khả năng đánh bại bất kỳ kẻ thù nào. Vì vậy, dù thực hiện lời hứa rút bớt quân đội ở Iraq về nước nhưng Washington sẽ tìm cách ký thỏa thuận với chính phủ Iraq thuê hàng loạt căn cứ quân sự và duy trì sự có mặt lâu dài của quân đội tại quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ và có vị trí địa chiến lược quan trọng này. Song song đó, ông Obama cũng tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm là tăng quân số (trong 3 năm tới, Mỹ sẽ tăng cường thêm 22.000 binh sĩ cho lục quân), đồng thời đầu tư nhiều hơn cho các loại vũ khí ít tốn kém nhưng phù hợp với trận địa. Tại Nam Mỹ, Lầu Năm Góc dù chấp nhận trả lại căn cứ không quân Manta cho Ecuador, nhưng đồng thời đang chuẩn bị thuê từ 4-5 căn cứ không quân khác tại Colombia. Đó là lý do vì sao ông Obama cắt giảm các chương trình vũ khí đồ sộ, nhưng ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn “năm sau cao hơn năm trước”, từ 515 tỉ USD tài khóa 2009 lên 534 tỉ USD tài khóa 2010.

Liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa tại Trung Âu, người ta cho rằng ông Obama đang tìm cách tạm thời trì hoãn nhưng sẽ triển khai nếu tái đắc cử tổng thống vào năm 2012.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trầm trọng hiện nay rõ ràng không làm chùn bước tham vọng gia tăng sức mạnh quân sự của chính quyền Mỹ. Một báo cáo năm 2008 của Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đang triển khai hơn 190.000 quân (không bao gồm tại hai chiến trường Iraq và Afghanistan) ở 856 cơ sở quân sự (gồm các căn cứ không quân, lục quân, hải quân và thu thập tin tức tình báo) tại 46 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài nước Mỹ. Sự hiện diện quân sự này, theo các nhà phân tích, làm tiêu tốn mỗi năm 250 tỉ USD. Giáo sư Chalmers Johnson, chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản, cảnh báo: Nếu Lầu Năm Góc không cắt giảm sự hiện diện quân sự ở bên ngoài sẽ làm cạn kiệt ngân sách quốc gia và có thể làm nước Mỹ phá sản.

KIẾN HÒA
(Theo Atimes, Globalresearch, Pravda, VOA)

Chia sẻ bài viết