26/12/2016 - 15:08

Vì sao Nga, Trung Quốc ngán tàu ngầm Skipjack của Mỹ?

Tàu ngầm lớp Skipjack (ảnh) được xem là tàu ngầm thời hậu chiến hiện đại đầu tiên của Hải quân Mỹ. Nhờ được kết hợp hai cải tiến mới, gồm thiết kế thân tàu tốc độ cao cùng nguồn năng lượng hạt nhân, Skipjack đến nay vẫn được xem là kiểu mẫu của tất cả tàu ngầm Mỹ tương lai.

Hải quân Mỹ chính thức bước vào thời đại hạt nhân ngày 30-9-1954, với sự kiện tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên USS Nautilus đi vào hoạt động. Được trang bị lò phản ứng S2W, Nautilus thời điểm đó được xem là không có đối thủ, đồng thời là một thắng lợi về mặt công nghệ, mở đầu cho một thời đại mới trong chiến tranh tàu ngầm. Mặc dù thành công nhưng Nautilus sau đó bị "đàn em" là tàu ngầm lớp Skipjack qua mặt. Skipjack được trang bị lò phản ứng áp lực S5W cải tiến, có thể sản xuất 15.000 mã lực trục. S5W từng được bán cho Anh để vận hành HMS Dreadnought, chiến hạm hạt nhân đầu tiên của nước này.

Theo National Interest, bộ cảm biến của tàu ngầm lớp Skipjack hoạt động tập trung xung quanh hệ thống định vị thủy âm BQS-4 có khả năng phát hiện kẻ thù ở khoảng cách từ 5,5 - 7,3 km. Tàu ngầm hạt nhân này cũng được trang bị hệ thống sonar BQR-2 có thể phát hiện kẻ thù ở khoảng cách tối đa 11,9 km, nhiều kính viễn vọng tìm kiếm và tấn công cùng một radar bề mặt để điều hướng trên mặt nước. Ngoài ra, Skipjack còn được lắp đặt 6 ống phóng Mk 59, có thể phóng đi nhiều loại ngư lôi, trong đó có ngư lôi chống tàu ngầm Mk 45 ASTOR có tầm bắn khoảng 8 dặm và mang theo một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 11 kiloton.

Tổng cộng, Mỹ đã đóng 6 tàu ngầm hạt nhân lớp Skipjack, gồm Skipjack, Scamp, Scorpion, Sculpin, Shark và Snook.

Thân tàu ngầm lớp Skipjack được xem là cơ sở để xây dựng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Mỹ là USS George Washington. Được biết, mỗi tàu ngầm lớp USS George Washington được trang bị 16 tên lửa Polaris A1, trong đó mỗi tên lửa Polaris A1 mang 3 đầu đạn hạt nhân có sức công phá 200 kiloton và tầm bắn 2.500 dặm.

Theo trang Globalfirepower, Mỹ hiện đứng đầu thế giới về số lượng tàu ngầm với 75 chiếc, kế đến là Triều Tiên (70 chiếc nhưng đã lạc hậu), Trung Quốc 68 chiếc, Nga 60 chiếc, Iran 33 chiếc, Nhật Bản 17 chiếc, Hàn Quốc 15 chiếc và Ấn Độ 14 chiếc.

QUỐC KIỆT (Theo National Interest)

Chia sẻ bài viết